Quảng Ninh phát triển bền vững nuôi biển đa giá trị, lấy doanh nghiệp là nòng cốt

Mục tiêu thu hút nuôi biển của Quảng Ninh để phát triển đa giá trị và không xung đột với các ngành kinh tế khác; Phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị lấy Doanh nghiệp là nòng cốt, kết nối với 08 cảng cá, 11 cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô và Móng Cái.

Nội dung được các đại biểu chia sẻ tại buổi họp báo về "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" vừa diễn ra vào ngày 25/3 tại Quảng Ninh.

nghe-nuoi-bien-01-1711421014.jpg
Toàn cảnh cuộc họp báo về "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh".

Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi biển

Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" sẽ diễn ra từ ngày 31/3 - 01/4/2024, tại TP. Hạ Long. Hội nghị do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết MOU hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị cũng sẽ trưng bày, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu thu hút nuôi biển của Quảng Ninh để phát triển đa giá trị và không xung đột với các ngành kinh tế khác.

nghe-nuoi-bien-04-1711420999.jpg
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương tiên phong và làm rất quyết liệt để phát triển nghề nuôi biển. (Ảnh minh họa)

Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000 ha bãi triều, trên 20.000 ha eo, vịnh…

Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế quốc phòng an ninh, đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật và địa kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc thuận lợi và phát triển du lịch với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long,.. đã thúc đẩy phát triển thủy sản và nuôi biển một cách nhanh chóng từ 2010 trở lại đây.

Quảng Ninh đã quy hoạch 50.001 ha nuôi nội địa và 45.246 ha nuôi biển chiếm khoảng 12% diện tích nuôi biển Quốc gia. Diện tích thu hút đầu tư là 13.400 ha; hiện nay, diện tích đang được các tổ chức doanh nghiệp, HTX khảo sát, nghiên cứu đầu tư là gần 4.000 ha; tập trung tại 06 địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long. Phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị lấy Doanh nghiệp là nòng cốt, kết nối với 08 cảng cá, 11 cụm công nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô và Móng Cái.

Thông tin từ Ban tổ chức, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300 - 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV…

Ngành công nghiệp nuôi biển hướng tới hiện đại bền vững

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

nghe-nuoi-bien-02-1711421099.jpg
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), phát biểu tại cuộc họp báo.

Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.

Theo ông Trần Đình Luân đánh giá, tỉnh Quảng Ninh là địa phương tiên phong và làm rất quyết liệt để phát triển nghề nuôi biển. Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới./.

Trọng Bình