Quà Tháng Năm dâng Người

Bộ tiểu thuyết sử thi "Nước non vạn dặm" của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là một công trình đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra mắt dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2025).
ra-mat-sach-dnktx-1747608721.jpg
Trọn bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm" do Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ấn hành.

Phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn của Việt Nam và thế giới

“Nước non vạn dặm” là một đại sử thi văn học về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình cách mạng của dân tộc, do nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chấp bút. Sau nhiều năm nung nấu, kiên trì tích lũy tư liệu, sử liệu và thực hiện các chuyến đi nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tiến hành các thao tác tích hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu các tư liệu đã có, năm 2022, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã cấu trúc đề cương và bắt tay viết song song bộ tiểu thuyết và bộ sử thi nghệ thuật cùng mang tên “Nước non vạn dặm”.

Bộ tiểu thuyết gồm 5 tập, lần lượt là: Nợ nước non, Lênh đênh bốn biển, Từ Việt Bắc về Hà Nội, Đường lên Điện Biên và Việt Nam – Hồ Chí Minh. Từng tập phản ánh một giai đoạn lịch sử cụ thể gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, từ thời niên thiếu ở Nghệ An đến hành trình bôn ba tìm đường cứu nước và vai trò lãnh đạo trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong đó, tập 1 “Nợ nước non” đã được dựng thành vở kịch hát cùng tên, ra mắt đông đảo công chúng ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, đây là một bộ tiểu thuyết lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết đã thành công trong việc xây dựng chân dung một con người đã làm nên một con đường và một lịch sử của dân tộc. Đó là Hồ Chí Minh.

Bằng thể loại văn xuôi có hư cấu, tác giả đã xây dựng trong “Nước non vạn dặm” hình tượng nhân vật, bối cảnh lịch sử - xã hội quanh nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn người đọc. Đồng thời, qua đó phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn của Việt Nam và thế giới.

ra-mat-sach-dnktx2-1747608848.jpg
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm.

20 năm nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa

Với văn phong đậm chất sử thi, giàu hình ảnh và cảm xúc, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ qua những dấu mốc lịch sử, mà còn qua chiều sâu tư tưởng và nhân cách. Bác hiện lên vừa là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, vừa gần gũi, bình dị trong từng suy nghĩ, hành động, khiến người đọc cảm nhận được một Hồ Chí Minh rất đỗi đời thường mà vẫn lớn lao.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, đây là bộ tiểu thuyết ông ấp ủ, chuẩn bị và thực hiện trong 20 năm, bằng sự nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa... công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất trong, ngoài nước và trên tất cả là niềm yêu kính vô bờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết, trong quá trình bắt tay viết tiểu thuyết Nước non vạn dặm, ông thường tranh thủ những khoảng thời gian ít người làm việc, như đêm khuya hoặc cuối tuần.

Ông có thói quen dậy sớm vào khoảng 2-3 giờ để viết. Buổi tối, sau khi hoàn thành các công việc khác, ông lại ngồi vào bàn để tiếp tục viết lách. Hai ngày cuối tuần là khoảng thời gian ông tập trung cao độ cho sáng tác, hạn chế tối đa các cuộc gặp gỡ bạn bè hay những hoạt động không thực sự cần thiết.

Nhà văn tiết lộ rằng, có một "bí quyết" nhỏ giúp ông chống lại cơn buồn ngủ khi làm việc xuyên đêm đó là luôn đặt trên bàn làm việc những lọ ngô rang và lạc rang để nhấm nháp.

Ông cho hay: "Có những ngày tôi làm việc gần 20 tiếng. Nếu không thật sự cần thiết phải ra ngoài, tôi thường ngồi yên trong phòng làm việc để tập trung cho những trang viết"

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ rằng, một trong những đoạn khiến ông nghẹn ngào nhất là khi viết về nỗi mất mát trong gia đình Bác.

"Mẹ Bác là bà Hoàng Thị Loan mất khi Bác mới lên 10 tuổi. Lúc đó, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang cùng cha Nguyễn Sinh Sắc đi chấm thi ở Thanh Hóa, còn em út là Nguyễn Sinh Nhuận mới chỉ vài tháng tuổi. Không lâu sau, người em nhỏ ấy cũng qua đời.

Hình ảnh Bác cùng cha và anh trai trở về quê nhà sau khi mẹ mất, đứng trước bàn thờ bà ngoại và chị Thanh, mỗi người mang một nỗi đau xót riêng, thực sự khiến tôi nghẹn ngào", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ xúc động nói.

Nhà văn bộc bạch thêm: "Tôi cũng từng mất mẹ khi còn nhỏ, nên khi viết những đoạn này, tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau mất mát ấy. Có lúc tôi phải dừng lại, rời khỏi bàn viết để trấn tĩnh lại cảm xúc. Tôi tin rằng, những dòng viết về tình cảm gia đình và sự cô đơn của Bác sẽ chạm đến trái tim nhiều độc giả".

Bộ tiểu thuyết vì thế không chỉ góp phần làm sống dậy những trang sử vẻ vang, mà còn khơi dậy trong người đọc niềm tự hào, sự biết ơn và suy ngẫm về giá trị của độc lập, tự do hôm nay.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương do Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt thực hiện.

Trần Minh