Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi thúc đẩy tăng trưởng xanh

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, trong mô hình kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi cần gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chiến lược phát triển chăn nuôi của nước ta trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 nhấn mạnh, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp phải được coi là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người chăn nuôi, mà còn góp phần quan trọng vào việc giải bài toán về xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường.

Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cần tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm khí phát thải nhà kính và bảo vệ môi trường. Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn chính là triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, nuôi thủy sản, lâm nghiệp.

mo-hinh-tuan-hoan-1682418034.jpg
Ảnh minh họa.

Ghi nhận cho thấy, hiện nay, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt nó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, tính đến hết tháng 2/2023, tổng đàn lợn của tỉnh 384.860 con; tổng đàn gia cầm 6,5 triệu con, trong đó có 4,41 triệu con gà. Trên địa bàn tỉnh có 91.424 hộ, cơ sở, trang trại chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại là 9.497 tấn, trong đó, thịt lợn 6.188 tấn, thịt gia cầm 2.415 tấn, thịt trâu, bò 602 tấn, thịt dê cừu 292 tấn. Cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, khi gia tăng về số lượng các đàn vật nuôi đồng thời sẽ tạo ra áp lực môi trường nếu không có giải pháp xử lý chất thải hợp lý.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành một số mô hình nông nghiệp sử dụng phụ phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao là: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò - trùn quế - trồng cây; mô hình trồng ngô - gia súc....

Bên cạnh đó, một số Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như cành, lá, vỏ của cây nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn, bón lại cho cây trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn.

Mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình tuần hoàn khép kín không phát sinh mùi hôi, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế chất thải, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi và xử lý chất thải để làm phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng được một số đơn vị trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đẩy mạnh triển khai. Theo đó, các trang trại ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Chất thải từ phân lợn sau mỗi lứa chăn nuôi được sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh.

Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Bà Rịa -Vũng Tàu đang từng bước thúc đẩy và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa quy trình sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm đáng kể tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8ha. Các trang trại sử dụng công nghệ hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học...

Đến nay, dù đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm cây trồng, chất thải vật nuôi. Tiếp đến là nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích, bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ, nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật còn hạn chế. Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi vẫn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp thì Nhà nước cần có chính sách đặc thù (ưu đãi về cơ chế, thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực...); xây dựng thêm các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái như trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt - chăn nuôi bền vững./.

Ánh Dương (t/h)