Phát triển kinh tế tập thể theo chiều sâu

Thông qua những quyết sách mạnh mẽ về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh ta đã, đang tập trung đưa KTTT, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đi vào chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX năm 2012. Cũng từ đây, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được khẳng định, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững

2222-20230727161827-1690677881.jpg
Sản phẩm OCOP của các hợp tác xã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, lựa chọn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 838 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Nông lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng. Trong đó, HTX nông lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất lên đến 57%. Cũng tại khu vực HTX này đã hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, xuất hiện hình thức liên kết, hợp tác đa dạng với nhiều mô hình KTTT hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: HTX đã phát huy vai trò quan trọng hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua việc cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Đồng thời, từng bước đổi mới phương thức quản lý, điều hành, đẩy mạnh liên doanh, liên kết chế biến các mặt hàng nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung thay vì sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), dần khẳng định vai trò hạt nhân trong liên kết chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các hộ nông dân với HTX, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân từ 1,5 – 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Tiêu biểu như: HTX Nông sản Xín Mần – Misaki, xã Nàn Ma (Xín Mần) – trực thuộc Công ty TNHH VietNam Misaki (tỉnh Bắc Kạn) không chỉ liên kết với người dân xã Nàn Ma trồng 16,5 ha gừng Trâu (với giá thu mua ổn định 7 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với trước đây) mà còn liên kết với HTX Mơi Hạnh (xã Xín Mần) trồng 6 ha củ Cải theo hướng hữu cơ, phục vụ sơ chế, chế biến sâu, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản...

Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 134 sản phẩm hàng hóa của 61 HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 – 4 sao cấp tỉnh. Riêng HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) có 2 sản phẩm chè Xanh và Hồng trà nhãn hiệu bà cụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh bước đầu có thị trường tiêu thụ ổn định như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong Bạc hà; thực phẩm sạch đã qua chế biến... Các HTX SXKD hiệu quả đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hơn 9.700 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Chiến lược phát triển theo chiều sâu

Với quan điểm phát triển KTTT, HTX không chạy theo số lượng mà tập trung xây dựng HTX theo chiều sâu; tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ HTX phát triển bền vững; từng bước xây dựng các mô hình HTX điểm điển hình có sự liên kết chặt chẽ với các hộ thành viên trong SXKD, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị để nhân rộng.

Phát huy vai trò, hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX T.Ư, tỉnh, nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn HTX tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư, đổi mới trang thiết bị phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, tư vấn, hướng dẫn 29 HTX tiếp cận nguồn vốn vay tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với tổng dư nợ hơn 7,1 tỷ đồng; hướng dẫn 3 HTX xây dựng dự án đầu tư, lập hồ sơ vay vốn tại Quỹ phát triển HTX T.Ư, đến nay có 1 HTX được giải ngân số tiền 650 triệu đồng, các HTX còn lại đang hoàn thiện hồ sơ trình xét duyệt.

Cùng với kết quả trên, chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; toàn tỉnh có 14 lượt HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa và khu vực miền Nam; 68 cán bộ quản lý của 45 HTX được tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh còn hướng dẫn các HTX kết nối, tiêu thụ hàng hóa qua Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX ngay tại trụ sở Liên minh HTX tỉnh. Gian hàng đã trở thành “cầu nối” gắn kết, đưa sản phẩm đặc trưng của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Để phát triển KTTT bền vững, đi vào chiều sâu, hiện nay, tỉnh ta đang khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng. Đồng thời, xây dựng môi trường hoạt động, SXKD lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực SXKD, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của HTX trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025: Toàn tỉnh có trên 30% HTX xếp loại khá, giỏi; 20 – 30% HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và có ít nhất 5 mô hình điểm HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương...