Nhớ mùa rêu đá, nhớ “mẹ” thiên nhiên

Từ xưa, nói đến rêu đá, vớt rêu đá, rồi làm món ăn rêu đá... là nói đến việc của chị em phụ nữ, của đàn bà, dứt khoát không phải là việc của đàn ông.
hanoi-dia-diem-tam-suoi-gan-ha-noi-9-768x960-2-1696646455.jpg
Rêu đá xanh mượt mà như tóc người con gái trưởng thành - Ảnh minh họa.

Có câu Then Tày khắp (hát) rằng: "Bươn chất nặm kheo vét, bươn pét nặm kheo van..." dịch ý: tháng bảy nước xanh leo lẻo, tháng tám nước xanh ngọt ngào... Những cơn mưa mùa thu thật không dễ chịu chút nào. Không mưa thì thôi, trời xanh ngắt không một gợn mây đến khi muốn mưa thì mây kéo đến rất nhanh, không kịp sấm sét, từ trên trời nước trút xuống sầm sập rồi tan, mỗi cơn mưa là một cơn lũ. Nước suối chưa kịp lặng thì cơn mưa, cơn lũ khác lại đến... Suối quê tôi vì thế mà trở nên xanh vắt.

Đây chính là lúc rêu đá mọc từng chùm, từ những đốm xanh trên đá, dưới lòng suối, chỉ hai ngày sau đã dài như tóc thề của con gái tuổi mười lăm. Mấy ngày sau, rêu đá xanh mượt mà như tóc người con gái trưởng thành.

Con suối quê tôi như được trải một dải lụa màu xanh long lanh dưới nước. Những con cá Mương, Đục, Sảm, thi nhau đánh võng lúc ẩn, lúc hiện. Đặc biệt loài cá Chiên suối nhỏ bằng ngón tay cái, thi nhau rúc trong màn rêu xanh, có lúc người hái rêu khó xử vì bọn chúng... Người ta nhẹ nhàng đưa tay hái ngang qua dòng nước để lấy rêu. Vớt rêu là vớt ngược dòng suối, chứ không xuôi dòng. Vừa lấy người ta vừa nhặt những lá cây, cành cây, cỏ rác còn bám theo rêu. Rêu được nắm từng nắm và đựng trong cái sọt, hay cái "Điêng" (một dụng cụ người phụ nữ Tày). Rêu đá có nhiều loại, có thể kể đến như rêu đá Nháo, rêu đá Loày, rêu đá Húc,... trong đó ngon nhất là rêu đá Húc.

Người dân quê tôi coi rêu đá là một trong những món ăn ngon, mang nhiều nét văn hóa, một nét ẩm thực độc đáo riêng. Việc chế biến khá cầu kỳ, ngày xưa, người ta vớt rêu đá về phải dành thời gian nhặt cỏ rác, thật kỹ, sau đó đem xuống suối nơi có những hòn đá, hoặc làn đá tương đối phẳng để đập và lọc sạn đá, biến nơi đó trở thành bến đập rêu của chị em và cũng là nơi tắm của họ. Chiều tối buông xuống tiếng đập rêu pộp... pộp... kếch... kếch âm vang từng khúc suối. Những cô gái trẻ thường là chủ nhân của những pha đập rêu đá lúc nhá nhem này...

Đập rêu, làm sạch rêu xong là các chị em tắm. Những ngày có trăng thì họ đập và tắm cùng trăng. Trên bờ, đâu đó có tiếng sáo nài vi vu, réo rắt... Nơi đó là nơi hò hẹn của nàng và chàng khi xưa. Rêu đập, rửa xong được cho một loạt gia vị và muối, sau đó gói lá nướng. Nước chấm món này là muối, chanh, ớt sau này có thêm mì chính. Ăn rêu đá cũng là một nghệ thuật. Người ta xé nhỏ rêu rồi chấm nước chấm chứ không ăn như kiểu ăn thịt hay rau luộc. Tuy là món ăn cầu kỳ và đặc biệt như thế nhưng khi bày trên mâm cơm có khách thì nó được đặt nơi khiêm tốn nhất, không bao giờ được đặt trước mặt nơi khách ngồi, tuy là đặc sản nhưng không phải món sang.

Mùa rêu đá quê tôi ngày xưa vui lắm. Những thiếu nữ là những người vớt rêu duyên dáng nhất. Nó như một trong những công việc thử thách tính siêng năng, kiên trì, sự khéo léo của người con gái. Những người ở xã bạn và huyện bạn Lục Yên (Yên Bái) cũng đến con Suối quê tôi vớt rêu đá. Họ đi thành đoàn, thành tốp, nón lá trắng lấp lóa, bóng áo tràm, áo xanh in xuống, dòng suối trở nên xao động. Những thiếu nữ đi cùng người lớn vừa ngơ ngác vừa như hút hồn trai làng quê tôi. Họ như những đàn chim Hạc, mỗi năm về với dòng suối, về với dải lụa xanh nơi con suối quê tôi mỗi mùa rêu đá đến. Dưới dòng suối trong mát, họ bắt đầu xuống vớt rêu, những bước chân xuống dần vùng nước sâu lộ dần ra những "bắp... chuối rừng "tuyệt mỹ” của những thiên thần.

Họ vừa chăm chỉ vớt rêu, nhặt lá vừa ý tứ trả lời những câu ướm hỏi của đám trai làng. Tiếng cười, nói vui ríu rít cả một khúc suối trở nên ân tình. Họ hái rêu xong, cho vào sọt gánh... Đường xa họ gắng đi về cho kịp bữa. Có đoàn không biết vô tình hay lý do nào đó trời gần tối mới lên bờ, họ tìm nhà quen nghỉ lại. Đêm đó tiếng sáo, tiếng những chú chó quyện nhau nơi họ nghỉ chân. Ngày hôm sau có những cuộc chia tay lưu luyến thầm lặng của những chàng và nàng. Hẹn mùa rêu đá năm sau...

Đấy là ngày xưa... con suối quê tôi giờ trông thảm hại biết chừng nào. Muốn có bữa rêu đá phải đi sang huyện khác, xã khác... có cháu đi làm ở dưới phố huyện nhớ món rêu đá điện về dặn mẹ lên Bắc Quang hay nhắn người quen trên Quản Bạ gửi cho rêu đá. Năm ngoái mấy người làng tôi đã phi xe máy lên đó vớt rêu đá về bán. Mùa rêu đá đã đến, thời dịch dã đã qua mà được xuống suối vớt rêu đá thì tuyệt vời biết bao. Nó đang trở thành giấc mơ xa vời.

Nghe kể lại về mùa rêu đá năm xưa đứa cháu gái hỏi "Bao giờ thì suối quê mình mới lại có rêu đá hả ông?", tôi nói bao giờ các con tắm được nước suối như các bà ngày xưa thì sẽ có. Nó nghĩ một lúc nhìn lên núi rồi nói: Thế thì không phun thuốc diệt cỏ nữa ông nhỉ... Ừ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… đều làm cho suối không còn rêu đá nữa. Thiên nhiên trừng phạt đấy/.

Hoàng Kiệm