Nhiều lợi ích từ áp dụng máy cấy vào sản xuất tại Hà Nam

Mấy vụ sản xuất gần đây, tỉnh Hà Nam đã áp dụng mô hình máy cấy vào sản xuất tại địa phương và đã cho thấy nhiều lợi ích, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khác những vụ sản xuất trước, vụ xuân này gia đình ông Trịnh Văn Hòa, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm không còn phải lo chạy đua với thời vụ hay đôn đáo tìm người cấy thuê bởi vì đã có dịch vụ mạ khay cấy máy của huyện đưa về. Nếu cấy tay, mỗi người chỉ cấy được từ 1 đến 1,5 sào/ngày nhưng khi sử dụng máy cấy chưa đầy 40 phút đã song 1 mẫu ruộng.

Ông Trịnh Văn Hòa cho biết, gieo cấy bằng máy là mô hình hoàn toàn mới ở địa phương nên khi triển khai gia đình ông cũng như các hộ nông dân trong xã thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, cán bộ nông nghiệp của huyện, tỉnh đã về tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách gieo cấy theo mô hình này. Thực tế triển khai đã cho thấy nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt là việc giải phóng sức lao động cho người nông dân mà chi phí sản xuất lại rẻ hơn. Những vụ trước, 1 mẫu ruộng gia đình ông phải thuê 8 công cấy hết 3,2 triệu đồng. Nay thuê máy chỉ hết một nửa tiền.

vna-potal-ha-nam-ap-dung-may-cay-vao-san-xuat-mang-lai-nhieu-loi-ich-stand-1645512446.jpeg

Trong ảnh: Máy cấy trên đồng ruộng xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm cho biết, vụ xuân 2022, xã Thanh Tân gieo cấy hơn 145 ha lúa, trong đó 52 ha áp dụng cấy lúa bằng máy còn lại là gieo thẳng và cấy tay. Hợp tác xã đã thành lập tổ dịch vụ cấy lúa bằng máy thực hiện gieo mạ và cấy lúa cho người dân trong vùng quy hoạch, giúp chủ động được từ khâu mạ đến cấy máy đảm bảo kỹ thuật. Nhờ áp dụng mô hình cấy lúa bằng máy mà tiến độ gieo cấy lúa xuân tại địa phương đã được đẩy nhanh. Toàn hợp tác xã hoàn thành gieo cấy từ 20/2, sớm hơn từ 5 – 7 ngày so với những vụ xuân trước.

Sản xuất vụ lúa xuân 2022, huyện Thanh Liêm gieo cấy 5.900 ha. Với những ưu điểm vượt trội, vụ này huyện đã mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy lên 400 ha, tăng 355 ha so với cả năm 2021. Mô hình lúa cấy bằng máy được triển khai tại 14 trong tổng số 16 xã, thị trấn của huyện.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Thanh Liêm cho biết, huyện đã thành lập 3 tổ dịch vụ máy cấy tại xã Liêm Sơn, Thanh Tân và Liêm Phong. Các tổ dịch vụ thực hiện gieo mạ khay và cấy máy trên địa bàn. Việc áp dụng mô hình máy cấy vào sản xuất đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời, giải quyết được vấn đề thiếu lao động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Lúa được gieo cấy đúng kỹ thuật góp phần tăng năng suất.

Với những ưu điểm vượt trội của việc cấy máy, vụ xuân năm 2021, tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ Mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 -2023”. Cả vụ xuân và mùa 2021, toàn tỉnh có hơn 1.600 ha áp dụng cấy bằng máy; vụ xuân 2022, diện tích cấy máy đã tăng lên 2.000 ha.

vna-potal-ha-nam-ap-dung-may-cay-vao-san-xuat-mang-lai-nhieu-loi-ich-stand-1645512438.jpeg

Máy cấy trên đồng ruộng xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Hà Nam, qua 2 vụ áp dụng cấy máy cho thấy nhiều ưu điểm. Tiến độ gieo cấy được đẩy nhanh, chi phí sản xuất giảm từ 150 - 200.000 đồng/sào. Lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường; năng suất lúa tăng từ 10 - 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các hợp tác xã quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, hiệu quả kinh tế của phương pháp cấy máy chỉ đứng sau gieo thẳng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh môi trường, phương pháp cấy máy có hiệu quả bền vững hơn.

Bên cạnh những ưu điểm, phương pháp gieo thẳng cũng bộc lộ nhiều bất cập như: việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở một số diện tích, đặc biệt là thuốc trừ cỏ đối với chân đất cốt cao, thuốc trừ ốc bươu vàng ở chân ruộng trũng, lạm dụng giống ở hầu hết các diện tích để mật độ cây có thể lên tới 200-400 cây/m2, dẫn đến tình trạng lúa quá dầy phải tăng chi phí dặm tỉa; sâu bệnh nhiều, dễ bị lốp đổ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vấn đề điều tiết nước cho các diện tích gieo thẳng cũng tốn công hơn.

Phương pháp cấy máy đã cơ bản giải quyết được những nhược điểm trên của gieo thẳng. Tuy nhiên, cấy máy đòi hỏi khâu làm mạ phải có kỹ thuật, yêu cầu bà con cần tuân thủ theo đúng quy trình. Đồng thời, cấy lúa bằng máy tuy có giảm so với phương pháp cấy truyền thống, nhưng vẫn cao hơn so với phương pháp gieo thẳng. Để mở rộng diện tích cấy bằng máy, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh về chi phí mua máy, khay nhựa gieo mạ, hỗ trợ giống, phân bón cho các mô hình thì cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và các hợp tác xã trong khâu điều hành và tổ chức sản xuất./.