Đắc Lắc: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua sản phẩm OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 22/12, tỉnh Đắk Lắk đã có 61 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 8 sản phẩm 4 sao và 53 sản phẩm 3 sao. Đây đều là các sản phẩm thuộc thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk được nâng cao giá trị khi tham gia vào “sân chơi” OCOP.

Chương trình OCOP trên địa bàn Đắk Lắk hiện xác định có 84 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: tiêu, bơ, sầu riêng, cà phê và các sản phẩm của cà phê, ca cao… trong đó có những sản phẩm được phân hạng 4 sao cấp tỉnh như: cà phê bột Robusta, ca cao bột nguyên chất, hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp, cà phê chồn Kiên Cường, gạo sạch Thăng Bình HTB…

Các sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm đã hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

tai-xuong-1640654524.jpeg
Ảnh minh hoạ

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh.

Để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đầu tháng 12 vừa qua, hợp tác xã OCOP đầu tiên ở Đắk Lắk đã đi vào hoạt động. Hợp tác xã góp phần kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về sản phẩm OCOP. Hợp tác xã cũng tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động liên kết doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tuyên truyền và khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng tiêu dùng chất lượng cao.

Về định hướng phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ chương trình OCOP, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Cùng với đó, tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Tỉnh cũng đề xuất các giải pháp để phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thu hút nhiều lao động; đồng thời, triển khai tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, kết nối cung cầu giữa các chủ thể, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh; xây dựng được hệ thống giám sát, quản lý sản phẩm OCOP khoa học, hiệu quả…/.