Nghệ nhân tạc nên cụ rồng ở Hồ Tây

Từ ngàn xưa, biểu tượng rồng được biết đến là loài linh vật biểu thị cho sức mạnh phi thường. Rất nhiều nơi đã lấy hình tượng rồng để tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo. Một trong số những công trình tiêu biểu ấy là hai cụ rồng được đặt được đặt nổi trên mặt Hồ Tây (Hà Nội). Tác phẩm này đạt kỷ lục Guinness Việt Nam. Nhưng ít người biết được đây là "công trình" của nghệ nhân, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Bình cùng với các nghệ nhân của làng gốm sứ Bát Tràng.
cu-rong-dnktx1-1707624848.jpg
Nghệ nhân, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Bình,người làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Chất nghệ dân gian

Dáng người cao, bệ vệ, mái tóc bồng bềnh, giọng nói ấm, tính tình phóng khoáng, hào hiệp. Ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận ở ông dường như cái chất phiêu du của người nghệ nhân dân gian ngay trong lối chuyện trò hào sảng, không câu nệ của ông. Mỗi khi nói về điêu khắc, về gốm Bát Tràng, đặc biệt là tác phẩm 2 “cụ rồng” đặt trên Hồ Tây (Hà Nội ) từ ánh mắt, nụ cười đến lời nói, hành động đều cho chúng tôi thấy ngay bầu nhiệt huyết của một người cả đời tận tâm với nghề. Với ông, dường như điêu khắc là niềm đam mê không gì có thể sánh bằng. Nhẩn nha sau tuần trà, ông bồi hồi, trải lòng kể về việc thực hiện tác phẩm 2 “cụ rồng”.

Ông bảo, đầu năm 2010, nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông đã chủ động dốc tiền túi cùng với 1 người khác để thực hiện tác phẩm. Việc đầu tiên là ông xuống đền thờ Chử Đồng Tử ở xã Tự Nhiên (Hà Nội) nơi thờ một trong "Tứ Bất Tử" của Việt Nam xin Đức thánh được thực hiện 2 cụ rồng. Sau 6 tháng thi công chính tại nơi Đức thánh Chử Đồng Tử đã gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng khi xưa, nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Bình cùng với các nghệ nhân khác của Bát Tràng đã hoàn thiện cặp rồng gốm khổng lồ mô phỏng rồng đời Lý có thân rồng dài 15,6m (nếu tính cả đường uốn khúc dài 35 m), được gia công bằng khung thép với lớp bê tông dày 10-20cm, cao 8,5m

Ngụm một chén trà ông nói tiếp, bên ngoài thân rồng được trang trí ốp bằng nhiều mảnh gốm sứ, chai lọ, ấm chén màu men ngọc đặc biệt được nung ở nhiệt độ 1.3000C. Với thân rồng được tạo tác từ 4.000 chiếc cốc, 6.000 chiếc đĩa. Theo thiết kế, hai đầu rồng chầu vào nhau với khoảng cách 8m. Một cụ chầu hướng Bắc, một cụ chầu hướng Nam. Trên đỉnh chầu còn có biểu tượng chữ “Đại lễ 1000 năm Thăng Long” được chế tác cầu kỳ bằng thép.

cu-rong-dnktx-1707625181.jpg
Nghệ nhân, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Bình có duyên với nhiều công trình tâm linh

Trong miệng mỗi cụ rồng đều được ngậm viên ngọc lớn là loại đá hết sức quý giá với trọng lượng 57kg/viên. Hai viên ngọc được ông Vương Văn Lĩnh (con tướng Vương Thừa Vũ, người chỉ huy đại đoàn 308 - đại đoàn quân tiên phong đầu tiên trở về tiếp quản Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đầu tiên của Thủ đô sau ngày giải phóng –PV) cúng tiến bằng đá quý trị giá hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, các chi tiết gốm sứ đều được vẽ hoa văn tỉ mỉ gắn với nhiều địa danh văn hóa nổi tiếng của Hà Nội, nặng hơn 60 tấn.

Để rước được hai cụ rồng rồng đi trưng bày tại công viên Bách Thảo nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long, ông và các nghệ nhân Bát Tràng đã phải dùng xe chuyên dụng. Sau đại lễ, đơn vị tiếp nhận kỷ vật đã rất trăn trở tìm nơi diện kiến lâu dài cho đôi rồng. Sau nhiều lần đại diện các cơ quan ban ngành họp bàn, phương án rước 2 cụ rồng về Hồ Tây, đoạn cuối đường Nguyễn Hoàng Tôn. Công trình này không chỉ nhấn mạnh về độ bền mà còn được thiết kế thêm cột đèn chiếu sáng. Đồng thời, thiết kế thêm phun nước để tạo vẻ đẹp sống động cho đôi rồng.

Đầu năm 2012, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình và nhóm nghệ nhân Bát Tràng hoàn thiện lắp đặt ở Hồ Tây, sau nhiều nước rước 2 cụ rồng đi triển lãm nhiều nơi. Theo thiết kế hai ông rồng, một ông chầu hướng Bắc, một ông chầu hướng Nam, phía trước là không gian mặt nước rộng lớn, phía sau là vườn hoa Lạc Long Quân tạo một điểm nhấn đẹp. Hai ông rồng cách nhau 16 m, ngay cả bệ rồng cũng ốp gốm sứ, phù hợp với màu sắc, phối cảnh, phong thủy.

cu-rong-dnktx2-1707624824.jpg
Hai cụ rồng được đặt được đặt nổi trên mặt nước Hồ Tây (Hà Nội)

Dấu ấn rồng thiêng...

Không chỉ thu hút người dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng, đôi rồng còn mang ý nghĩa phong thủy. Vị trí đặt rồng ở Hồ Tây chính là vùng đất lý tưởng để đặt dấu ấn rồng thiêng. Đôi rồng được đặt ở thế đối diện với Phủ Tây Hồ, có trục đối xứng với Hồ Tây - Ba Vì và trục Hồ Tây - Cổ Loa, vị trí này rất đắc địa tạo ra sự liên kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa của Thủ đô, tạo lên sự gắn kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa. Đây là công trình tâm huyết của nghệ nhân, họa sỹ Nguyễn Văn Bình và tổ thợ gốm sứ Bát Tràng dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Tác phẩm đạt kỷ lục Guinness Việt Nam.

Công trình khơi dậy những tinh hoa, văn hóa của con người đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, hai cụ rồng hồ Tây còn mang ý nghĩa tâm linh. Theo các nhà nghiên cứu, Rồng phải đặt ở nơi trang trọng, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Do đó, điều đặc biệt là dù đã mang đôi rồng đi triển lãm ở nhiều nơi. “Lạ lắm, khi chọn Hồ Tây là điểm dừng chân cuối cùng thì một cụ rồng đã nhả ngọc xuống hồ trong quá trình lắp đặt. Đối với người dân thủ đô đây là điềm báo lành”, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình trải lòng. Ông coi đó là điềm lành không chỉ với cá nhân người nghệ nhân, mà còn mang đến hy vọng vào những điều lớn hơn khi “rồng đã nhả ngọc nơi đất thiêng”.

Đến nay sau 14 năm thi công, đôi rồng vẫn ngự sừng sững bên bờ Hồ Tây lộng gió đã trở thành điểm du Xuân thú vị của người dân Thủ đô và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tác phẩm một lần nữa khẳng định chất liệu gốm có sức biểu cảm rất độc đáo, tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức trường tồn thông qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh, mà còn tạo cho địa danh này thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch./.

Trần Sơn