Nghệ An: Thành quả từ đẩy mạnh phát triển rừng nguyên liệu và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp

Nghệ An được biết đến là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã phát huy tối đa hiệu quả từ những nguồn tài nguyên rừng mang lại. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, quản lý bảo vệ, quy hoạch rừng bền vững và phát triển rừng nguyên liệu một cách phù hợp và đúng hướng.
nghe-an-1690075703.jpg
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng

Để phát huy tối đa lợi thế từ rừng, tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung trọng điểm được hướng đến trong kế hoạch là phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm. Trong đó, khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, triển khai trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu dưới tán rừng nhằm mang lại thu nhập cho người dân; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thống nhất, liên tục; thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản tại địa phương, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, khuyến khích phát triển các vật liệu mới thay thế gỗ, kết hợp gỗ nhựa, gỗ kim loại; tăng cường năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho các chủ rừng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp;…

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm từ rừng, đến nay, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 9,07%, tăng 1,27% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD, tăng 66% so với năm 2021 (207 triệu USD). Trồng rừng tập trung 20.789,64 ha/18.500 ha kế hoạch, đạt 112,38 % kế hoạch, tăng 6% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, giống lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hoạt động trồng rừng. Công tác giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Xem đây là một trong những khâu quan trọng góp phần phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Năm 2021, Nghệ An sản xuất được 33,58 triệu cây đến 2022 là 36,5 triệu cây các loại và trồng được gần là 20.789,64ha/18.500 ha theo kế hoạch, tăng 6% so với năm 2021 là 19.253ha.

rung-2-1690039387.jpg
Những năm gần đây, diện tích rừng nguyên liệu ở Nghệ An đã tăng lên đáng kể

Với lợi thế là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021. Đây chính là thế mạnh để Nghệ An bứt phá trong thời gian tới về phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước.

Từ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Chỉ thị 13-CT/TW, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 741 ngày 08/12/2017 xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chính, đồng thời chia ra 32 nhiệm vụ cụ thể, cho từng lĩnh vực, qua đó phân công cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan trong vấn đề về bảo về và phát triển rừng. Điều đặc biệt, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, rừng Nghệ An từ chỗ chưa có diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì đến nay đã có trên 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đồng nghĩa giá trị rừng đã được công nhận, tăng 5.325,33 ha, tương đương tăng 52% so với năm 2021;

Nghệ An cũng là tỉnh có mùa nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung gồm 15.476 ha rừng trồng Thông nhựa; 720 ha rừng hỗn giao Bạch đàn (là loài cây có tinh dầu, dễ cháy) và hơn 42.900 ha rừng tre nứa và 173.867,34 ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng triển khai kiểm soát có hiệu quả, giảm 77% số vụ cháy; giảm 59,2% diện tích bị cháy so với năm 2021; diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt, không có điểm nóng, vụ việc nổi cộm xẩy ra.

Song song với đó, công tác phòng chống khai thác, chặt phá rừng trái phép được tăng cường, trong năm toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 648 vụ vi phạm lâm luật, giảm 138 vụ, tương đương 17,55% so với năm 2021 (786 vụ). Sự phối hợp bảo vệ rừng giữa các ngành, chủ rừng, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần làm tốt công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác, chặt phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép.

z3958885615036-75286618511555ddab59ccfdcbfa0e1d-1690038188.jpg
Mô hình trồng thí điểm sản xuất giống cây Tràm trà tại Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghệ An

Thời gian qua, nhiều ứng dụng công nghệ trong thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.

Với những lợi thế sẵn có từ diện tích rộng lớn và tài nguyên đa dạng, Nghệ An đã và đang phát huy tối đa hiệu quả từ kinh tế rừng, giúp tăng giá trị các sản phẩm lâm nghiệp và cải thiện đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc bảo vệ rừng được nâng cao, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ đã mang lại những giá trị rất lớn cho các chủ rừng và doanh nghiệp…

Để có được những thành quả trên, ngoài sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền địa phương không thể không nhắc đến vai trò to lớn của ngành Nông nghiệp Nghệ An. Được biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển việc trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý và phát triển rừng bền vững, đẩy mạnh việc phát triển rừng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến vào các khu chế biến lâm sản. Ngoài ra, việc tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản cũng sẽ được khuyến khích, đi đôi với đó là nghiên cứu trồng cây thâm canh và dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất rừng.

Quốc Cường