Ngành lúa gạo tin vào sức chuyển năm Rồng

Năm 2023, ngành lúa gạo lập thành tích “vô tiền khoáng hậu”, lần đầu tiên xuất khẩu vượt qua 8 triệu tấn, lập kỷ lục kim ngạch với 4,78 tỷ USD. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi, do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sang năm tới. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo.
a-1707468206.jpg
Năm 2023, ngành lúa gạo lập thành tích “vô tiền khoáng hậu”, lần đầu tiên xuất khẩu vượt qua 8 triệu tấn. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu gạo “bùng nổ” và triển vọng năm 2024

Nhìn lại ngành lúa gạo năm 2023 rất nhiều điểm sáng, có thể coi là một năm “bùng nổ” của ngành lúa gạo. Đó là, xuất khẩu gạo lập kỷ lục cả về khối lượng và giá trị với 8,2 triệu tấn và 4,78 tỷ USD, tăng tương ứng 15,4% và 36,6% so với năm 2022. Thị trường số 1 của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,86 triệu tấn, tương ứng 1,54 tỉ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VF), giá gạo xuất khẩu tăng cao đột biến trong năm 2023. Riêng trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, cao hơn gần 93 USD so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan (với giá 560 USD/tấn), cao hơn Pakistan là 90 USD/tấn (với giá 563 USD/tấn). Với mặt hàng gạo 25% tấm, gạo Việt Nam bán được giá 638 USD/tấn, cao hơn 118 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan (520 USD/tấn); cao hơn Pakistan 150 USD (488 USD/tấn).

Đạt được những thành tích vược bậc này, trước hết là nhờ sự điều hành rất đúng từ Nhà nước. Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường từ tháng 7/2023, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ, không hạn chế xuất khẩu gạo như một số lần “sốt” gạo toàn cầu vào những năm trước đây, thay vào đó đưa ra chủ trương tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo nâng diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha nâng lên 700.000ha. Nhờ vậy, sản lượng gạo thu hoạch lập kỷ lục mới, qua đó vừa đảm bảo nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng tăng lượng gạo xuất khẩu. Lũy kế tất cả các vụ, diện tích gieo cấy lúa năm 2023 đạt 7,1 triệu ha, tổng sản lượng đạt 43,1 triệu tấn, tăng 420 nghìn tấn so với năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới, là nhờ những năm qua, nông dân và các doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi sản xuất từ những giống lúa phẩm cấp thấp, sang những giống lúa thơm, lúa đặc sản, chất lượng thơm ngon. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo Việt Nam xuất khẩu đã có sự dịch chuyển lớn về phân khúc sản phẩm sang các loại gạo chất lượng cao, tỷ trọng các giống lúa thơm, lúa đặc sản hiện chiếm phần lớn. Cụ thể, giống Đài Thơm 8/OM18 chiếm 41%, giống OM5451 chiếm khoảng 19%, giống ST (21/24/25) chiếm khoảng 9%.

Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới.

Hiện lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm mạnh. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

GS. Võ Tòng Xuân nhận định, ảnh hưởng El Nino trong năm 2024, cùng với đó động thái của Ấn Độ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn. Nhưng hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao. Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp ngành lúa gạo có thể đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

“Do đó, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới”, GS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo.

gao-1707468182.jpg
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới. (Ảnh minh họa)

Những sự kiện “đình đám” của ngành lúa gạo năm 2023

Không chỉ thắng lớn trên khắp các mặt trận sản xuất và xuất khẩu gạo, năm vừa qua ngành hàng này còn để lại dấu ấn với rất nhiều sự kiện “đình đám”. Một là, lần đầu tiên Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức (5 lần Festival lúa gạo trước đây chỉ tổ chức quy mô trong nước), đã diễn ra tại Hậu Giang vào ngày 11-14/12 với hàng loạt hoạt động, sự kiện trình diễn, hội thảo quốc tế, gian hàng triển lãm và các hoạt động bên lề: Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam tại Bờ kè kênh xáng Xà No; Trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo; Trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, canh tác lúa thông minh…

Hai, ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong năm 2023 là có thêm một hiệp hội mới. Chiều 11/12/2023, tại TP Cần Thơ đã diễn ra đại hội thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo điều lệ, hiệp hội này là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm, sản phẩm chế biến từ lúa gạo; sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Ba là, Gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị lúa gạo quốc tế 2023 tổ chức tại Cebu - Philippines từ ngày 28 đến 30/11. Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt gạo chất lượng cao.

Bốn là, phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Ngoài ra, phải kể đến sự kiện lần đầu tiên có người Việt Nam được bầu làm lãnh đạo cao nhất của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), trụ sở chính đặt tại Philippines. TS. Cao Đức Phát (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Việt Nam) đã được toàn thể IRRI tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện IRRI. Được biết, trong số 226 giống lúa được trồng ở Việt Nam, 25% giống do IRRI chọn tạo, 52% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng giống bố mẹ có nguồn gốc từ IRRI.

Những điểm nghẽn của chuỗi lúa gạo

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững” trong khuôn khổ Festival quốc tế lúa gạo 2023, PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) đã nhắc lại những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ. Tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết. Điểm nghẽn tiếp theo, quy mô sản xuất nhỏ làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao.

“Ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu, bởi thiếu một dự báo thị trường tốt làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả các tác nhân trong chuỗi”, PGS.TS Nguyễn Phú Sơn nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho hay, hiện nay giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông sản xuất lúa hoàn toàn có lãi. Một trong những vấn đề cần phải tháo gỡ là rào cản tín dụng. “Mặc dù hiện nay có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo. Giống như tình trạng có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh”, ông Thuận ví von. Tiếp theo là, rào cản môi trường pháp luật, tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.

Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị: Cần gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo… Đề nghị Nhà nước ban hành quy định về lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và qui định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn qui định….

xuat-khau-gao-du-kien-dat-tren-75-trieu-tan-trong-nam-2023-650d2b8b4f645-1707468304.jpg
Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh minh họa)

Hạt gạo trên hành trình “hóa rồng”

Với diện tích sản xuất lớn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu nhiều và hơn 10 triệu hộ nông dân trồng lúa, 300 doanh nghiệp, 20.000 người thu mua lúa… không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất lớn. Không chỉ trông chờ vào thời cơ từ thị trường thế giới mang lại, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang triển khai nhiều kế hoạch lớn, tạo nên một nền sản xuất lúa gạo minh bạch và có trách nhiệm với thế giới. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai sẽ cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam: tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu…

Nhìn về năm 2024 và tương lai của ngành hàng lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Hành trình mới đã bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng lớn lao. Không gian phát triển ngành hàng lúa gạo dù đang ở biên độ rộng nhất nhưng cũng đã gần tới hạn. Gạo Việt được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới vẫn chưa có gì đảm bảo trên con đường dài phía trước khi thị trường càng ngày càng khó tính hơn. Về đích trên đường chạy cự ly ngắn khác với chiến thắng ở cự ly dài.

Để được vinh danh gạo Việt là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới là sự tận hiến của các nhà nông học, các viện trường, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân thuốc, doanh nghiệp thương mại. Tất cả đều thực hiện giấc mơ đưa hạt gạo Việt ra thế giới bằng tất cả sự tự hào dân tộc, thương hiệu được tạo dựng bằng triết lý: "Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hai thành phần, hay nói cách khác là hai đội quân chủ lực, tham gia thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, chính là nông dân và doanh nghiệp. Một bên là đầu vào, một bên là đầu ra, chỉ cần thiếu một trong hai, chắc chắn sẽ không thành công. Khởi đầu với thách thức lớn nhất là tạo được sự đồng thuận về nhận thức trong tất cả các bên tham gia. Một hạt gạo rất nhỏ bé, chỉ nặng 0,029 gam, nhưng chắc chắn mỗi người sẽ có cách nhìn sẽ khác nhau và đôi khi làm nặng lòng cho cả hệ thống. Hạt lúa tuy nhẹ nhưng đôi khi làm rối loạn cả chuỗi liên kết cung cầu.

“Đồng thuận trong nhận thức là "điều kiện cần", nhưng đồng thuận trong hành động mới là "điều kiện đủ" đi đến thành công, để tất cả các bên cùng thắng. Doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt hạt gạo đến thị trường bằng cả thuận lợi lẫn khó khăn.Đây là lúc mỗi người cần thẩm thấu triết lý nhân sinh: "Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau". Cùng liên kết với nhau tạo thành hệ sinh thái gồm tất cả tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng chính là cộng hưởng sức mạnh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

“Thương hiệu gạo Việt vẫn cần được kiên trì tạo dựng bằng sự tham gia của cả hệ sinh thái: nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, viện trường, cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông… Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng không còn là chuyện xa vời, mà đã có thể cảm nhận được trong từng mùa vụ. "Phát triển bền vững" không phải là câu từ cho đẹp các đề án, mà đang đặt ra cho mọi đất nước, địa phương, trong từng ngành, từng lĩnh vực” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chu Minh Khôi