Cần làm gì để thúc đẩy, phát triển công nghiệp xanh tại TP.HCM?

TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) với tổng diện tích 3.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Các KCX-KCN đã thu hút được hơn 1.680 dự án, giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 280.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều KCX-KCN cũng bộc lộ hạn chế. TP.HCM đang lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng Đề án “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”.

Hiện, một số chuyên gia đang tập trung phân tích những nút thắt mà ngành công nghiệp Thành phố đang gặp phải. Cụ thể, quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp còn thấp, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất còn thấp, chỉ 5,4% DN thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào sản xuất; 1,1% DN sử dụng robot; 2,2% DN sử dụng in 3D; 0,5% DN sử dụng công nghệ thực tế tăng cường vào sản xuất…

TP.HCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Trong những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của thành phố đang chịu sức ép quá tải nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 ước khoảng gần 1.830.000 tỷ đồng, song thực tế khả năng ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Điều này khiến cho tình trạng kẹt xe, ngập nước, các dự án xây dựng hạ tầng thành phố thông minh cũng gặp nhiều trở ngại, tiến độ thực hiện đầu tư chậm, gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.

Tuy nhiên, sự tích cực được các chuyên gia đánh giá rất cao là nội tại phát triển công nghiệp của thành phố có tiềm năng rất lớn. Bởi công nghiệp TP.HCM tập trung phần lớn DN có vốn đầu tư trong nước, chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực đầu tư nước ngoài trong cơ cấu doanh thu ngành công nghiệp. Điều này giúp ngành công nghiệp thành phố hạn chế sự phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi hoạt động sản xuất.

Nên xây dựng KCN kiểu mới

TP.HCM có 2 dạng KCN là KCN hiện hữu và KCN thành lập mới. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích, KCN hiện hữu tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành nên chuyển đổi dần sang dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ. Với khu vực vùng ven, TP.HCM nên xây dựng KCN kiểu mới theo hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.

Muốn kiến tạo lại không gian phát triển mới của các KCN xanh, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, TP.HCM phải quy hoạch lại hạ tầng; định vị lại sản xuất công nghiệp, đó là phát triển công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao và kết nối với các địa phương trong chuỗi cung ứng.

“Không gian phát triển công nghiệp mình đã nói mấy năm nay rồi. Tôi đề nghị chúng ta phải có những tiêu chí rõ ràng, trong thu hút đầu tư trong không gian chúng ta kiến tạo lại, để làm cơ sở doanh nghiệp định hướng của Thành phố như vậy để họ đăng ký đầu tư và cũng làm cơ sở để các đơn vị họ cấp phép đầu tư”, TS. Huỳnh Thanh Điền nói.

word-image-2079-1-1682919112.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Đồng quan điểm với TS. Huỳnh Thanh Điền trong thúc đẩy, phát triển công nghiệp xanh, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết: "DN có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu nên ông hiểu rất rõ quy định khắt khe về các tiêu chí carbon, tiêu chí xanh của thị trường này".

DN ủng hộ TP.HCM thúc đẩy phát triển các KCN theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm xanh. Tuy nhiên, Thành phố cũng nên bổ sung danh mục các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may.

“Tôi đề nghị Thành phố tái khởi động lại, bổ sung danh sách công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Công nghiệp hỗ trợ cho chúng tôi không chỉ làm quần áo mà hỗ trợ làm vải, làm nguyên phụ liệu. Đợt vừa rồi, chúng tôi phải qua Trung Quốc, Nhật, Thái Lan tìm các thiết bị để làm ra sản phẩm đó nhưng cũng không có. Những sản phẩm tạo ra thời trang thì rất cần công nghiệp hỗ trợ”, ông Phạm Văn Việt nói.

Cần có thêm chính sách mới...

Còn ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho rằng: Cần phải có chính sách mới từ Trung ương để cởi “chiếc áo chật” cho công nghiệp của TP.HCM. Chúng ta phải tư duy rằng, phát triển công nghiệp không phải cho Thành phố mà cho cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, TP.HCM nên Thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp. Trung tâm này có thể cung cấp và hỗ trợ về kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cho DN ở khu vực phía Nam.

“Thành phố rất quyết tâm để sắp xếp, quy hoạch lại các KCN thì đề nghị phải thành lập KCN chuyên ngành. DN nước ngoài dịch chuyển chuỗi cung từ Trung Quốc sang vào KCN của chúng ta thì gõ cửa 1 đầu mối là có hết chứ không phải đi nhiều nơi tìm đặt khuôn mẫu, sản xuất nhựa, lắp ráp…. rất mất thời gian. Chúng ta kết nối các nhà máy lại đi vô một KCN thì có đầu mối”, ông Phạm Văn Tài nêu ý kiến.

TP.HCM thấy rõ những hạn chế trong phát triển công nghiệp thời gian qua. Thành phố đang xây dựng chính sách để thực hiện Đề án Chuyển đổi các KCN - KCX giai đoạn 2023 – 2024, gồm các KlCN: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu. Từ đó, TP.HCM sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi các KCN cũ còn lại. Thành phố tái cơ cấu các KCN cũ theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh.

“Việc chuyển đổi 17 KCX - KCN đang hoạt động của Thành phố cũng như đầu tư những KCN mới theo hướng sinh thái không những giúp Thành phố giữ chân DN đang đầu tư tại đây mà còn gia tăng sức hấp dẫn cho làn sóng đầu tư mới. Bởi, xu hướng áp dụng rào cản xanh đã phổ biến trên toàn cầu. Trường hợp các DN không cân đối được tiêu chuẩn giảm thiểu phát thải carbon trong hoạt động sản xuất sẽ không thể tiếp cận các đơn hàng xuất khẩu”, bà Trương Thị Ái Nhi, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, khẳng định.

Về định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Thời gian tới, Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới. Xây dựng các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất mới, đóng góp lớn hơn cho sự tăng trưởng của Thành phố".

"Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, Thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi các KCN đã lạc hậu, tạo quỹ đất, xây dựng thêm các KCN theo hướng KCN sinh thái, hướng DN sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Và quan trọng hơn, sự chuyển đổi này sẽ được bắt đầu từ những thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, trong cộng đồng DN và người dân Thành phố", ông Võ Văn Hoan chia sẻ./.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược: hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển quỹ đất công nghiệp; hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; liên kết vùng; phối hợp đề xuất cơ chế chính sách phát triển công nghiệp.

Thi Nguyên (t/h)