Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thị trường tín chỉ carbon

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB): "Các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng nỗ lực xây dựng khung pháp lý để kiếm tiền từ tín chỉ carbon của mình. Chúng tôi sẽ rất vui được hỗ trợ Chính phủ tiếp tục định hướng về cách thực hiện điều này".
thi-truong-cac-bon-01-1711078258.jpg
Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon có thể là một nguồn quan trọng cho các khoản đầu tư công lớn cần thiết khi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Tín chỉ carbon tạo nguồn thu quan trọng cho đầu tư công

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng DN FDI và Diễn đàn DN Việt Nam thường niên vừa qua, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon có thể là một nguồn quan trọng cho các khoản đầu tư công lớn cần thiết khi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và hỗ trợ khu vực FDI năng động trong tương lai.

Giám đốc WB tại Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình với lãnh đạo Chính phủ về thị trường tín chỉ Carbon. Đây là thị trường năng động và đang phát triển. Thứ trưởng Bộ TN&MT có đề cập đến dự án của WB mua tín chỉ carbon từ các hoạt động bảo tồn rừng tại 6 tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ. Dự án đã thành công trong việc tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn mong đợi.

"Các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng nỗ lực xây dựng khung pháp lý để kiếm tiền từ tín chỉ carbon của mình. Chúng tôi sẽ rất vui được hỗ trợ Chính phủ tiếp tục định hướng về cách thực hiện điều này. Chúng tôi tin rằng đây có thể là một nguồn doanh thu quan trọng cho các khoản đầu tư công lớn cần thiết khi bạn thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và hỗ trợ khu vực FDI năng động trong tương lai", đại diện WB khẳng định.

thi-truong-cac-bon-04-1711078389.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vào ngày 27/10/2023. (Ảnh VGP)

Bên cạnh vấn đề môi trường, đại diện WB khuyến nghị một số nội dung để phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn hợp lý hóa quy trình. Cần tích cực xử lý kỹ thuật số, xử lý thông qua cổng trực tuyến, sử dụng ứng dụng điện tử và chữ ký điện tử. Việc số hóa có thể mang lại sự minh bạch và đẩy nhanh quá trình phê duyệt, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các bên; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Đại diện WB cũng khuyến nghị nâng cao trình độ kỹ năng của lực lượng lao động tại Việt Nam. Bà Carolyn Turk cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về khả năng tiếp cận vốn đối với các dự án của khu vực tư nhân. Các dự án của khu vực tư nhân có khả năng huy động vốn cao hơn nếu có đầu tư công dẫn dắt.

"Các nhà sản xuất năng lượng tái tạo thuộc khu vực tư nhân đòi hỏi đầu tư công nhiều hơn vào truyền tải và phát triển lưới điện. Việc sản xuất điện của khu vực tư nhân chỉ khả thi nếu họ có thể bán nguồn điện này", đại diện WB dẫn ví dụ.

Các bộ, ngành chức năng sẵn sàng thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững

Trước một số khuyến nghị từ đối tác quốc tế, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam đã có cuộc đối thoại thẳng thắn để có các giải pháp chung thúc đẩy hợp tác, phát triển.

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Bộ TN&MT đã đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Việc WB chi trả 51,5 triệu USD mua chứng chỉ Carbon là tín hiệu vui trong việc khuyến khích bảo vệ phát triển rừng tăng độ che phủ. Với con số trên 100 DN đã được cấp chứng chỉ này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nước tạo chứng chỉ Carbon trên thế giới.

Về cải cách thủ tục hành chính, lãnh đạo Bộ TN&MT khẳng định bám sát thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, cắt giảm thủ tục.

Ông Kiên cho hay, trong tháng 2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12 sửa Nghị định 44 về quy định khung giá đất... Bộ TN&MT đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dự kiến trong tháng 3 ban hành Nghị định về lấn biển, đây là Nghị định quan trọng tạo điều kiện hoàn thiện pháp lý cho nhiều dự án, trong đó có DN FDI có sử dụng mặt biển và đất ven biển.

thi-truong-cac-bon-03-1711078435.jpg
Việc WB chi trả 51,5 triệu USD mua chứng chỉ carbon là tín hiệu vui trong việc khuyến khích bảo vệ phát triển rừng tăng độ che phủ. (Ảnh minh họa)

Trong tháng 4, Bộ TN&MT cũng sửa đổi trình dự thảo Nghị định 08 về hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp 50% thủ tục của Bộ cho địa phương.

"Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ quan trọng là xây dựng dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai vừa được Quốc hội ban hành và luật Tài nguyên nước, dự kiến có các văn bản này sẽ có trước thời hạn luật có hiệu lực", đại diện Bộ TN&MT chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, dự kiến trong tuần này, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

"Chúng tôi xây dựng cơ chế khuyến khích nhiều thành phần đầu tư vào ngành năng lượng, nghiên cứu giải pháp, các công cụ tài chính, khuyến khích nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho ngành này. Ngành công thương đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, tạo điều kiện cho các công ty dịch vụ năng lượng phát triển...", lãnh đạo ngành công thương khẳng định./.

Vừa qua, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh ("tín chỉ Carbon") do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ Carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Thông tin từ WB cho biết, khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải Carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018-31/12/2019.

Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ Carbon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia.

Chương trình này đã tạo ra 16,2 triệu kết quả giảm phát thải đã được xác minh cho giai đoạn 2018 - 2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải. Ngân hàng Thế giới đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng.

Trọng Bình