Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Sau một thời gian khống chế, nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Ninh Bình đang tập trung nỗ lực dập dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát, lây lan để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, từ tháng 9/2021 đến nay, sau những đợt mưa lớn, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Tính đến nay, dịch đã xuất hiện ở hơn 2.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh với trên 10.000 con lợn bị nhiễm bệnh, gần 800 tấn lợn phải tiêu hủy.

Hiện nay là thời điểm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát ra diện rộng ở mức cao vì nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cho dịp lễ tết tăng nhanh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, trong tháng 10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã cấp 10.324 lít hóa chất cho các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô để triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường.

Đồng thời, tăng cường giám sát đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện và yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được giấu dịch, không tự ý chữa trị, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

p1140664-1637367302.jpg
Ảnh minh họa

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cũng liên tục thông tin, tập huấn giúp người dân chủ động nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình. Hầu hết các địa phương có hiện tượng lợn ốm nghi ngờ mắc bệnh đều được lấy mẫu giám sát, gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi làm căn cứ để các huyện, thành phố công bố dịch theo quy định.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay tại các vùng có dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đang phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch, lập các trạm, chốt kiểm dịch, tổ chức tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn mắc bệnh, thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, phương tiện, dụng cụ, chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện vào khoảng 280.000 con và tình hình dịch bệnh chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi hộ nhỏ, lẻ và đang được kiểm soát ở quy mô hẹp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cũng nhận định về cơ bản nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2021, đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ không bị ảnh hưởng.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là địa phương đang có dịch bệnh phức tạp, nguy cơ cao. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực cho người dân và cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện để chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông; đôn đốc triển khai nghiêm túc, đồng loạt Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường để tiêu diệt mầm bệnh và phấn đấu sớm khống chế dịch bệnh, bảo vệ thành quả tái đàn lợn trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Vào năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng nặng nề đối với ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Bình. Khi đó, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy gần 108.700 con lợn với tổng trọng lượng trên 6.300 tấn (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng thịt hơi/năm).

Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa lực lượng thú y và các địa phương trong việc chủ động phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, kết hợp với các chính sách hỗ trợ tăng đàn, tái đàn của tỉnh, đến hết quý III/2021, đàn lợn của Ninh Bình đã được khôi phục, đạt trên 274,5 nghìn con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020./.