Nâng cao bảo mật, thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt an toàn

Mới đây, ngày 28/5, tại TP.HCM, Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật”.
b-1716912956.jpg
Nhà báo Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ thông tin về chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024. (Ảnh Quốc Cường)

Qua chặng đường 5 năm triển khai “Ngày không tiền mặt”, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, sự quan tâm, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan với Báo Tuổi trẻ, chương trình này đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không tiền mặt an toàn, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Đây là chương trình góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án (Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong khuôn khổ chương trình có thể kể đến những sự kiện chính đáng chú ý, gồm: Ngày khuyến mãi toàn quốc; Livestream bán hàng giảm giá; Lễ hội không tiền mặt…

Bên cạnh chuỗi sự kiện chính, chương trình năm nay cũng có nhiều điểm mới như giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính); minigame hiến kế giao dịch an toàn; tổ chức chạy bộ…

Đặc biệt, hội thảo với “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” dự kiến vào ngày 14/6 sẽ tập trung thảo luận và tìm giải pháp nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung.

a-1716913035.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh Quốc Cường)

Buổi họp báo nhằm công bố nội dung, các hoạt động Ngày không tiền mặt 2024 gồm: Ngày khuyến mãi tập trung toàn quốc Cashless Day 16.6 từ 10 đến 16/6, Tháng khuyến mãi tập trung tại TP.HCM từ 15/6 đến 15/7, ‘‘Livestream’’ bán hàng giảm giá ngày 16/5 và 16/6…

Cụ thể là hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy TTKDTM an toàn, bảo mật” (dự kiến vào ngày 14/6/2024) với quy mô khoảng hơn 300 khách mời... nhằm thảo luận các giải pháp nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong TTKDTM nói riêng và các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung; Nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia TTKDTM cũng như các giao dịch ngân hàng trên nền tảng số.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết: Tính đến nay, hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử… liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng tiện ích, năng lực xử lý, phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống, cũng như đáp ứng tốt kỳ vọng ngày càng cao của người dùng cuối là người dân, doanh nghiệp đối với sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng. Cùng với đó, nhiều phương thức, dịch vụ thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, giá dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng cung ứng ra thị trường.

Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024, các lãnh đạo tham dự đã trình bày và thông tin về những kết quả tích cực trong phát triển TTKDTM thời gian qua, vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính trong thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng; định hướng thời gian tới.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính, bà Lê Thị Thúy Sen Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng tập trung hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới thông qua nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam trong cộng đồng; hướng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên Fanpage Giáo dục tài chính. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại./.

Quốc Cường