Năm 2023 Bắc Giang phấn đấu nâng thêm 25 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 100 sản phẩm được đề xuất tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Qua đánh giá, phân hạng có 99 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm.

Trong năm 2022, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá, phân hạng, công nhận được 99 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường, huyện Yên Thế; 1 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đủ tiêu chuẩn 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận.

9869-1655171567-5-1677746257.jpg
Du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: TNS).

Có nhiều chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo cao. Qua đó, tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng ở các địa phương với nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, năm 2023, tỉnh phấn đấu có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tăng 25 sản phẩm so với năm 2022; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn…

article-1677746457.jfif
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có thêm 25 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP thành 230.

Ngày 2/3, phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 Kết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Dương Thanh Tùng cho biết, năm 2022 là năm thứ 4 tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình OCOP; đây là năm tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP tham gia đánh giá nhất từ trước đến nay.

Nhiều địa phương trong tỉnh được Hội đồng OCOP tỉnh ghi nhận với nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: Gà đồi Yên Thế; Vải thiều Lục Ngạn; Giấm Kim Ngân; Trà hoa vàng; Ổi Tân Yên của HTX Quyên Phong… Điều đó cho thấy tính đa dạng của các sản phẩm và sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, doanh nghiệp khi tham gia phát triển các sản phẩm là thế mạnh của địa phương.

z4047813485609-3a26908ca4ad1a96b37e4a581c13133b-1677747105.jpg
Sản phẩm gà đồi Yên Thế đã và đang được nhiều người tiêu dung biết tới.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình OCOP năm 2023, đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả.

Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương.

Quang Chương (T/H)