Logistics Việt Nam hướng tới chiến lược logistics xanh và bền vững

Việt Nam cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và logistics xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.
lo-gic-tich-xanh-01-1706323182.jpg
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại buổi lấy ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào ngày 26/1 tại TP.HCM, đông đảo DN và hiệp hội ngành hàng mong muốn, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ, cũng như có lộ trình cụ thể về chiến lược đối với từng ngành hàng để phát triển hoạt động logictics Việt Nam.

Cần có lộ trình cho logistics xanh và chuyển đổi số

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý, đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

lo-gic-tich-xanh-04-1706323153.jpg
Dự thảo Chiến lược phát triển đến năm 2030 dịch vụ logistics Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.

Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng, đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.

Đóng góp ý kiến về Dự thảo, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, Dự thảo cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và logistics xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững.

Bên cạnh đó là các mục tiêu về chuyển đổi số, cần đặt mục tiêu phối hợp cụ thể với các cơ quan như thuế, hải quan. Điển hình như đến năm 2030 đặt mục tiêu số hóa 100% vận tải, hay như epost, thanh toán không nhận tiền mặt…

Một số ý kiến cũng cho rằng, logistics Việt Nam có lợi thế lớn về hệ thống giao thông đường bộ khi kết nối nhanh và chặt chẽ với hệ thống cửa khẩu, kho bãi và các chợ đầu mối lớn của nội địa, kể cả chợ đầu mối quốc tế ở khu vực giáp ranh biên giới.

Song song với việc đầu tư logistics hàng không, đường thủy, trong lộ trình đầu tư đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên ưu tiên đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ để giải quyết nhanh, hiệu quả những vấn đề cấp bách về phát triển logistics, đáp ứng nhu cầu thực tế...

Qua đó đưa hoạt động logistics lên một tầm cao mới không chỉ đơn thuần là dịch vụ mà trở thành một ngành có đóng góp chủ lực trong phát triển kinh tế. Từ việc tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế này, hoạt động logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và sớm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Gắn với các mục tiêu chung, nhiều ý kiến cũng kỳ vọng có sự đổi mới trong quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Dự thảo cần cụ thể hóa chi tiết việc đẩy mạnh phát triển thị trường logistics với từng ngành hàng. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, vận tải thủy nội địa chỉ chiếm 20% hoạt động vận tải cả nước, trong chiến lược phát triển logistics đối với đường thủy và hàng không tất nhiên chưa thể làm ngay, nhưng cần thiết phải làm rõ mục tiêu, lộ trình về thời gian đầu tư thì mới sớm hiện thực hóa chiến lược như mong muốn.

“Trong Chiến lược cần tăng dần lĩnh vực logistics đường thủy, bao nhiêu phần trăm phải có mốc lộ trình rõ ràng. Trong đó đặt ra những điều kiện để phát triển logistics thủy nội địa như luồng lạch, nâng cao tĩnh không của các cầu cũng như bến thủy và kho bãi... Lộ trình cần cụ thể bởi hiện nay ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu để kiếm một bến thủy nội địa đang thật sự khó khăn”, ông Hưng lưu ý.

lo-gic-tich-xanh-02-1706323259.jpg
Thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 – 10 tỷ USD, trong đó, logistics giữ vai trò quan trọng.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau quả là ngành có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Định hướng thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 – 10 tỷ USD. Để đạt được điều này thì logistics giữ vai trò quan trọng.

Theo ông Nguyên, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh xây dựng đường bộ cao tốc hiện đại. “Các doanh nghiệp ngành rau quả mong việc phát triển đường bộ cao tốc sẽ được đầu tư bài bản, từ Lạng Sơn đến Cà Mau”, ông Nguyên bày tỏ.

Hiện thời gian vận chuyển hàng từ Đồng bằng sông Cửu Long ra Lạng Sơn hết 2 ngày, nhưng nếu có cao tốc, thời gian vận chuyển sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 1 ngày. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường này sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, hiện 60 – 70% sản lượng trái cây xuất khẩu nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, song khu vực này hệ thống hạ tầng đường bộ vẫn còn yếu. Do đó, cần đầu tư hạ tầng đường bộ nội vùng để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là đầu tư kho lạnh, bến bãi tại các cửa khẩu biên giới. Để tránh tình trạng vào mùa vụ, nguồn hàng nhiều có chỗ để bảo quản hàng hóa.

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới. Logistics Việt Nam cần nâng cao năng lực bắt nhịp với xu thế logistics xanh và bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, chiến lược sẽ mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam./.

Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Trọng Bình