Lạng Sơn: Người “giữ hồn” Tết cổ truyền xứ Lạng

Mặc dù đã ở cái tuổi 76 được nghỉ ngơi, vui đùa bên con cháu nhưng nghệ nhân Hoàng Choóng thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn vẫn miệt mài nặn những đầu sư tử mèo, gà đất lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của xứ Lạng mỗi khi mùa xuân về.
picture331-1640423609.jpg

“Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống thường được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng. Nó độc đáo bởi hình thù giản đơn giống chiếc nón vành rộng, được trang trí bằng các đường vẽ với nhiều mầu sặc sỡ. Từ xa xưa, hình ảnh những con sư tử mèo với những điệu múa khỏe khoắn, rộn ràng đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Lạng” là những gì nghệ nhân Hoàng Choóng chia sẻ khi chỉ tay vào từng tâm huyết của mình. Cứ dịp tết đến xuân về, trong tiết trời buốt giá của những ngày cuối năm, ông Hoàng Choóng vẫn bận rộn với đất sét, giấy màu, bột màu tại căn nhà nhỏ đơn sơ của mình ở thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Để làm ra một đầu sư tử mèo, ông Choóng phải mất hơn một 1 tuần làm việc hết công suất từ khâu chọn nguyên liệu đến khi thao tác hoàn thiện sản phẩm. Ông Choóng cho biết, cái độc đáo ở đầu sư tử mèo phải là đất thó (Loại đất sét trắng có ở giữa dòng sông, suối), sau đó mang về giã mịn, sàng sảy đều, cho nước ngâm đến độ mịn, quánh. Tới khi nặn phải tập trung để làm sao đầu sư tử phải đúng nguyên mẫu mà dáng hình ngày càng phong phú, đẹp. “Tôi ngày nào cũng ngồi nặn, ngắm, chỉnh sửa từng chi tiết. Sau khi đất se khô thì dán giấy bồi. Công đoạn hưng phấn nhất là việc sơn, vẽ các màu lên các hình thù của sư tử sao cho hợp lý, ấn tượng, bắt mắt. Cuối cùng là gắn các vải đa màu sắc, bông, lông vào đầu và đuôi con sư tử với những dải vải thướt tha”. Ông Choóng thuật lại.

Chia sẻ với phóng viên cơ duyên đến với nghề ông bồi hồi xúc động: “Khi còn là thanh niên, cứ vào mùa xuân, Choóng được theo các già làng tham gia các hoạt động tại các lễ hội, đi biểu diễn cùng đội múa sư tử mừng hội “Lồng tồng” ở các làng bản. “Tại đây, tôi may mắn được cụ Nông Xuân Quyền, nghệ nhân nổi tiếng nhất trong vùng hướng dẫn, truyền nghề cách làm ra con sư tử mèo, con gà đất biết gáy. Từ đó, thứ đam mê này cứ theo tôi suốt đời mình”.

picture133-1640423609.jpg
Nghệ nhân Hoàng Choóng bên những tác phẩm đầy tâm huyết của mình

Cũng giống như làm đầu sư tử mèo, việc làm con gà đất gáy nhỏ bé cũng phải chuẩn bị kĩ lưỡng từ nguyên liệu. Nếu khâu chọn nguyên liệu không chuẩn thì sản phẩm làm ra khó mà giống nguyên mẫu mà không thể giữ được độ bền. Và khi làm những con “cáy cộc” này còn khó hơn đầu sư tử mèo bởi vì kích thước nhỏ mà lại yêu cầu độ tỉ mẩn cao. Ông Choóng chỉ cho thấy rất nhiều hình con gà đất, mỗi con nặng khoảng 8 gam rồi giới thiệu: “Khi nặn chú ý tách gà thành 2 khối tạo thành 2 khối tách biệt, được kết nối bởi một lớp giấy xi măng dai, bền. Ở đầu và đuôi gà được khoét 2 lỗ phát ra âm thanh khác nhau khi người sử dụng tùy theo ý thích. Ví như, dùng tay kéo giãn thì gà phát ra tiếng kêu “cộc, cộc” như gà mẹ gọi gà con. Còn miệng thổi thì kêu rất to “Ò, ó, o” ở cách xa 30 mét vẫn nghe rõ, rất vui tai”. Ông Choóng hào hứng khoe: “Con “Cáy cộc” này cũng được khoác trên mình như hoa văn, họa tiết với sơn màu đẹp mắt, sinh động, cuốn hút trẻ con”.

picture2-1640423609.jpg

Đầu sư tử mèo và những con gà đất biết gáy do Nghệ nhân Hoàng Choóng tạo nên

Ông Choóng cho biết, sau thời gian dài làm công tác giảng dạy và công tác văn hóa thông tin ở huyện, ông nghỉ hưu vào năm 2002. Từ đó, ông đã dành nhiều tâm huyết hơn cho việc chế tác các sản phẩm đầu sư tử mèo, con gà đất... Trong dịp Tết cổ truyền, rất nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến nhà ông để đặt mua đầu sư tử mèo, gà đất biết gáy - những vật dụng không thể thiếu trong dịp tết, lễ hội đầu xuân của người dân Lạng Sơn.

picture1-1640423609.jpg
Nghệ nhân Hoàng Choóng đang chỉ dạy cho thế hệ sau

Mặc dù đã ở cái tuổi được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu thì nghệ nhân Hoàng Choóng vẫn miệt mài, chỉn chu với từng tác phẩm của mình. Hình ảnh 1 cụ ông 76 tuổi tóc bạc trắng ngồi giữa những lớp giấy màu xanh đỏ, điểm xuyến xung quanh là những hộp màu vẽ rực rỡ trong tiết trời lạnh buốt heo may đã không còn xa lạ với người dân Lạng Sơn. "Ông tâm huyết, đam mê và muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống để con cháu biết đến các đồ chơi dân gian. Đầu sư tử mèo, gà đất là những đồ chơi vừa tiết kiệm lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không độc hại như các đồ chơi bằng nhựa, cao su như hiện nay. Ông rất muốn bằng cách nào đó nét văn hóa này được lưu giữ và phát triển".

Chính Hữu