Làng Đồn sang 'trang sách mới'

Sau vài năm xây dựng nông thôn mới, làng Đồn đã “thay da, đổi thịt” theo hướng văn minh hơn, đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng cao.

“Làng đồn” là cách gọi các làng căn cứ cách mạng ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực trung tâm huyện (ngày nay là thị trấn Phú Thiện) bị địch chiếm đóng. Với địa hình phức tạp, đồi núi bao bọc nên quân đội ta đã chọn bốn làng gồm Pông, King Pêng, Trớ và Hek là vùng căn cứ cách mạng. Từ đó, cái tên “làng đồn” đã ra đời và tồn tại đến nay.

Làng “nhiều không”

Xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) có 9 thôn làng với 1.373 hộ, 5.206 khẩu. Nơi đây có 11 dân tộc anh em sinh sống với nhau, như: Dân tộc Kinh, Ba Na, Jrai, Thái, Tày, Nùng, Sán Rìu, Khơ Me... Đặc biệt trong đó có 4 làng Đồn là: Plei Pông, Plei Trớ, Plei Hek và Kinh Pênh là làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

lang-don-anh1-1654562775.jpg
Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi theo hướng văn minh hơn.

Thu nhập của bà con 4 làng Đồn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chính là lúa rẫy 1 vụ và sắn. Do đặc thù tự nhiên nơi đây không chủ động được nước để phục vụ sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng đạt thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 8 triệu đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2017, số hộ nghèo là 192 hộ/975 khẩu, chiếm 52% hộ nghèo của toàn xã và chiếm 60% số hộ trong 4 làng, hộ cận nghèo là 33 hộ /173 khẩu, chiếm 29,4% tổng số hộ cận nghèo của xã. Bên cạnh đó, một số hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, đặc biệt nhiều gia đình chưa có nhà vệ sinh.

Từng là khu vực khó khăn, đường tạm bợ, lởm chởm đất đá nên ngay cả việc di chuyển bằng xe máy cũng là điều khó khăn. Không những thế một số người dân làng D’lâm (xã Chư A Thai) còn rủ nhau lên đỉnh Cheng Leng để dựng chòi sinh sống. Người dân khu vực này sống trong cảnh không điện, không nước… và trẻ em cũng không có trường đi học.

Ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho biết, trước kia, bà con sống theo buôn làng, các nhà nằm san sát với nhau không theo quy hoạch. Không những vậy, cuộc sống của người dân bấp bênh, chỉ trông chờ vào vài sào đất nương rẫy. Đặc biệt, người dân còn nhiều phong tục lạc hậu. Mong muốn cuộc sống bà con ổn định nên các cấp chính quyền phối hợp với bộ đội “gánh” làng lên vùng thuận lợi, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Để giải “bài toán” trăn trở nhiều năm với bà con vùng dân tộc thiểu số, đầu năm 2018, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” và Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng Đồn.

Ông Hùng chia sẻ, một trong những tác động lớn của việc xây dựng làng nông thôn mới là góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Trước kia, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng Nông thôn mới và trở thành phong trào sâu rộng trong làng. Từ đó huy động được nguồn lực không nhỏ đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Trang mới ở làng Đồn

Sau hơn 4 năm xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu làng đã được quy hoạch theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Từ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng tiến bộ và khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng cao. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được hình thành, có sức lan tỏa trong nhân dân.

Chị Y Nuôi (SN 1995, xã Chư A Thai) tâm sự, vài năm trước buôn làng thiếu thốn, đất đai cằn cỗi nên bà con không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Tuy nhiên, sau này bà con được chính quyền hỗ trợ, tập huấn chăn nuôi, áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, sản xuất nên cuộc sống đã ổn định và kinh tế dần phát triển.

“Trước kia, bà con thiếu thôn trăm bề. Mình chỉ có căn nhà nhỏ lụp xụp, làm cũng đủ ăn qua ngày. Đến năm 2018 mình được chính quyền di dời nhà về làng Đồn và được hỗ trợ kĩ thuật để canh tác. Hiện nay, mình đã có 5 con trâu và bò, 2 người con của mình cũng được đến trường đi học. Chính vì vậy, cuộc sống không còn bấp bênh, chạy ăn từng bữa nữa”, chị Y Nuôi bộc bạch.

Một năm nay, gia đình chị Siu H’Nhen (SN 1991) và anh Đinh Môn (SN 1989) được chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ dựng nhà tại làng Plei Pông (xã Chư A Thai). Từ ngày đó, cuộc sống của gia đình chị dường như bước sang trang mới.

Chị Siu H’Nhen chia sẻ, trước kia chị ở cùng mẹ, tài sản gia đình chỉ có vỏn vẹn có 2 con bò. Không những vậy, ngay cả nhà vệ sinh nhà chị cũng chưa có. Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị được chính quyền hỗ trợ di dời nhà đến làng mới, đến nay chị đã có 7 con bò với 1,2 ha đất rẫy.

lang-don-anh-2-1654562796.jpg
Chị Siu H’Nhen (bên phải) chia sẻ về cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình phát triển với Chủ tịch Hội phụ nữ xã Chư A Thai.

“Để phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh việc làm nương rẫy mình mở thêm quán tạp hóa. Bên cạnh đó trồng thêm mướp, cà để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân quanh làng. Mong muốn đời sống các con được nâng cao, ít bệnh tật nên gia đình vay vốn để làm nhà vệ sinh và khoan giếng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền giờ đây mình thấy cuộc sống gia đình không còn khốn khó như trước đây”, chị Siu H’Nhen bộc bạch.

Bí thư Đảng uỷ xã Chư A Thai – Trần Quang Hùng chia sẻ, hiện nay 4 làng Đồn đã được các cấp chính quyền, bộ đội hỗ trợ di dời 294 căn nhà xuống vùng thuận lợi. Những ngôi nhà cũ kỹ, dột nát đã được tu sửa, làm mới, nhiều gia đình có nhà vệ sinh. Đặc biệt, gia súc, gia cầm đã được chuyển ra khỏi gầm nhà sàn… Ngoài ra, đường nội thôn đã được bê tông hóa, điện sáng, nước sinh hoạt đến với từng gia đình. Chính quyền địa phương cũng tập huấn khoa học kĩ thuật cho bà con trồng trọt, chăn nuôi. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng phối hợp cùng thôn thực hiện vận động nhân dân làm con đường hoa, hàng rào xanh, xây dựng và duy trì và nhân rộng 2 Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”…

“Hiện tại, các làng đã được quy hoạch gọn gàng và ổn định cuộc sống cho người dân. Bà con cũng được cấp đất xây dựng, sửa sang lại nhà cửa. Năm vừa rồi chính quyền cấp giống mì và lúa để bà con canh tác, tăng thu nhập. Một số người dân thì làm công nhân trong nhà máy gạch nên cuộc sống cũng dần ổn định”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho hay, sau khi di dời nhiều hộ dân chú tâm làm ăn, biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên có gia đình sở hữu vài chục con trâu, bò. Đặc biệt, nhiều người dân tự lực sản xuất, không còn ỉ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Không những vậy, nhiều phong tục tập quán lạc hậu cũng được người dân bỏ dần.

Vị Bí thư Đảng uỷ xã Chư A Thai cho biết, không chỉ có 4 làng Đồn vừa qua, hàng chục hộ dân người đồng bào dân tộc phía Bắc di cư tự do vào địa phương đã được hỗ trợ đất, bố trí nhà ở thuộc dự án Bố trí ổn định dân di cư tự do thôn Drok. Dự án triển khai từ tháng 3/2021 với 67 hộ dân được di cư đến đây. Những hộ dân này được cấp 400 m2 đất cùng với 10 triệu đồng để bà con xây nhà, ổn định cuộc sống.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập huấn khoa học kĩ thuật và hỗ trợ cây, con giống cho những gia đình khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, kết nối với các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vận động thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay để bà con phát triển kinh tế”, ông Hùng nói.