Làm thế nào để doanh nghiệp Việt theo kịp cuộc đua chuyển dịch xanh?

Cộng đồng doanh nghiệp thế giới đang chuyển mình rất mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net zero trên hành trình kinh doanh bền vững do đó doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này.
vinamilk-1698463349.jpg
Các nhà máy sản xuất sữa tươi Vinamilk Green Farm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường - Ảnh:Phương Dung.

Trên thế giới, việc áp dụng ESG đang ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam.

Đơn cử như cuối năm 2022, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố 20 doanh nghiệp được chọn lọc từ 100 công ty niêm yết lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam, và được đánh giá toàn diện ở 3 khía cạnh tiêu chí ESG, trong đó có Vinamilk.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, để phát triển xanh ngoài các giải pháp công nghệ cần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý bên cạnh nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp.

Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cần có cơ chế chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho phát triển kinh tế xanh nên dựa vào các tiêu chuẩn khu vực, thế giới.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần có hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư chuyển đổi khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái, hoặc chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp cần xác định chiến lược cộng sinh vùng, cộng sinh giữa các khu công nghiệp với nhau để giảm thiểu giá trị đầu tư.

Đối với doanh nghiệp, việc tham gia mục tiêu phát triển bền vững đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nằm trong chuỗi sản xuất, các nhãn hàng lớn yêu cầu về các mục tiêu phát triển bền vững: tỷ lệ năng lượng tái tạo, tỷ lệ nam, nữ… Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải minh bạch các tỷ lệ này. Đây là các sức ép, thách thức mà các doanh nghiệp phải thực hiện.

Hương Lan