Làm giàu nơi đầu sóng, ngọn gió

Từ hai bàn tay trắng ra đảo lập nghiệp, bằng nghị lực, sự kiên cường bám biển, đến nay anh đã có khối tài sản hàng tỷ đồng, giúp người dân trên đảo cùng nhau làm giàu, giữ vững chủ quyền biển đảo …
lam-giau-noi-dau-song-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-1-1696487624.jpg
Ngư dân Nguyễn Viết Chính (trái) tâm sự với ông Nguyễn Hữu Thả, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cô Tô về việc lập nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió

Quyết bám trụ biển đảo

Mưa, bão, những cơn sóng lừng đang rình rập như muốn nuốt chửng những con tàu chìm vào đại dương bao la nhưng cũng không làm chúng tôi nản chí, quyết tâm ra đảo tìm gặp ngư dân Nguyễn Viết Chính (52 tuổi) ở khu 3, Thị trấn Cô Tô (Quảng Ninh) hiện đang lập nghiệp ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Từ cầu cảng Cái Rồng ở Vân Đồn chuyến đi cập đảo Cô Tô mất non 5 giờ lênh đênh trên biển (ngày thường, đi tàu cao tốc khoảng 1,5 giờ, đi tàu gỗ khoảng 3 giờ - PV). Dù đã hẹn trước nhưng cũng phải 3 ngày sau, tôi cùng ông Nguyễn Hữu Thả, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cô Tô mới gặp được anh Nguyễn Viết Chính vừa lênh đênh trên biển về đón chúng tôi lên thuyền.

Dáng người thấp, ăn vận tuềnh toàng, chất giọng sền sệt vùng biển. Bên chén rượu nhạt, cùng với những con sò huyết nướng vội, câu chuyện của anh xen lẫn tiếng sóng biển xô vào mạn thuyền, át đi tiếng của anh, chiếc thuyền dập dềnh lênh đênh ngoài biển, anh Chính trầm ngâm tâm sự về cuộc đời mình. Anh vốn quê gốc ở Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình). Năm 1981, anh lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau 3 năm trong quân ngũ, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình.

Ba đứa con lần lượt ra đời, năm miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, cái nghèo bám riết lấy gia đình anh. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh quyết định đưa cả gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Cô Tô, năm 1993. Ngày mới ra lập nghiệp, gia đình anh từng là một trong những hộ nghèo nhất huyện đảo. “Khi đến đảo, nếu mình không có ý chí, không quyết tâm thì khó trụ vững được, vì trước đó nhiều người ra lập nghiệp ở đây được một tháng, không làm ăn được họ lại bỏ về quê”, anh nhớ lại.

Những ngày đầu đặt chân lên đảo, gia đình anh được lãnh đạo địa phương và nhân dân, bộ đội hết lòng giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Sau khi ổn định chỗ ở, anh quyết định vét sạch những đồng tiền cuối cùng của gia đình dắt lưng để mua chiếc mủng và bộ đồ câu mực đi biển. Khó khăn chồng chất khó khăn. Để lại gia đình ở trên đảo, suốt ngày đêm anh lênh đênh trên biển, đánh bắt, thu mua thủy hải sản ở ven biển.

Có những lúc, thuyền của anh phải đi non chục hải lý, cá tôm mới đầy thuyền. Ở đảo, vợ vừa đi dạy học, vừa phải làm thuê để chắt chiu từng cắc lẻ. Sau 7 năm vật lộn với sóng biển, sản lượng đánh bắt ngày càng vơi. Những chuyến tàu thô sơ, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, không thể đi xa được, chở về với số lượng ít ỏi. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định bàn với vợ, dồn toàn bộ tiền tích cóp được, vay mượn thêm vốn để đầu tư phương tiện đánh bắt thủy hải sản xa bờ, khai thác tiềm lực dồi dào của huyện đảo Cô Tô.

Sau khi đã dốc toàn bộ vốn liếng vào tàu thuyền, phương tiện đánh bắt. Do làm ăn uy tín, anh đã tạo dựng được niềm tin với bạn hàng. Từ đó, anh luôn bao tiêu sản phẩm, người đánh bắt yên tâm khi giao dịch với anh. Sản lượng nhiều, anh lại quyết định đóng thêm một con tàu để thu mua thủy hải sản. Ngoài 2 tàu thu mua thủy hải sản, 2 xưởng chế biến sứa, với 80 lao động thời vụ, lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Hàng năm trừ các khoản chi phí, anh thu lãi được hơn 500 triệu đồng. Không chỉ vun vén làm giàu cho gia đình, khi người dân khắp nơi đến xây dựng kinh tế mới, thiếu vốn làm ăn, anh đã chủ động đầu tư vốn cho những người có nhu cầu, mỗi hộ, hội viên cựu chiến binh từ 5 đến 10 triệu đồng để mua ngư cụ (không lấy lãi), với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Giữ vững chủ quyền, an ninh - quốc phòng biển đảo

Không chỉ làm kinh tế giỏi, giúp hội viên và người dân trên đảo cùng làm giàu, trong anh luôn ý thức việc giữ vững chủ quyền, an ninh - quốc phòng ở biển đảo. Từ ngày ra đảo, anh luôn gương mẫu, tích cực gắn bó cùng với bộ đội biên phòng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Nếu có những chiếc tàu lạ, vật liệu nổ trên biển, ý thức của người dân không tốt, anh đều thông báo nhanh với lực lượng biên phòng, phối kết hợp cùng giải quyết. Những việc làm của anh, khiến biển đảo Cô Tô không hề xảy ra sự cố đáng tiếc.

Dù kinh tế dư dả, nhưng với bản tính cần cù chịu thương chịu khó, ngày lại ngày, anh vẫn lênh đênh trên biển để thu mua thủy hải sản và giữ vững chủ quyền biển đảo. Anh chia sẻ, mình chỉ lên bờ khi không còn sức khỏe.

Nguyễn Viết Chính là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi và không lùi bước trước gian khó, quân thù. “Tôi may mắn được rèn luyện trong quân ngũ. Chính sự cần cù, chịu thương, chịu khó, làm ăn uy tín với khách hàng đã giúp tôi có được thành quả như ngày hôm nay. Nếu người dân nào kinh tế khó khăn, hãy ra đảo với tôi, chỉ sau 3 năm sẽ làm giàu được như tôi. Đã xác định ra đây lập nghiệp, chúng ta phải đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió biển đảo quê hương để làm giàu cho gia đình và giúp xã hội”, anh trải lòng.

Tuấn Trần