Làm gì để du lịch sinh thái phát triển tương xứng với tiềm năng?

Những năm gần đây, du lịch sinh thái thu hút được đông đảo du khách, nhưng một số địa phương vẫn chưa đầu tư khai thác hết những thế mạnh này dẫn đến các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ đơn điệu.
du-lich-sinh-thai-2-1696582549.jpg
Du lịch sinh thái chưa thực sự được đầu tư phát triển dẫn đến sản phẩm du lịch còn đơn điệu.

Du lịch sinh thái, du lịch sinh thái cộng đồng mặc dù mới chỉ phát triển tại Thanh Hóa trong những năm gần đây, song đã nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương, nhất là với người dân bản địa.

Thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng lớn về du lịch

Thanh Hóa là tỉnh có địa hình đặc trưng vùng trung du và miền núi, đồng bằng, ven biển với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Đặc biệt, xứ Thanh có một số khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, đảo nổi tiếng như: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, vườn quốc gia Bến En, đảo Nẹ, đảo Mê... là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Mỗi bản, làng đều là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách.

Tuy nhiên, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng mới chỉ chiếm 5,5% tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong 5 năm qua. Sự phát triển của loại hình dịch vụ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các dịch vụ chưa được cung cấp hoàn thiện, chưa có nhiều sản phẩm độc đáo và có thương hiệu mạnh, tính cạnh tranh chưa cao, hạ tầng du lịch ở các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng còn nhiều bất cập.

du-lich-sinh-thai-1-1696582758.jpg
Pù Luông được thiên nhiên ưu ái ban tặng để phát triển du lịch, tuy nhiên đến nay sản phẩm du lịch ở đây vẫn còn đơn điệu.

Tại khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, với những thửa ruộng bậc thang cùng nếp nhà sàn ẩn hiện giữa đại ngàn của cộng đồng dân tộc người Thái, người Mường được lưu giữ nguyên vẹn, thân thiện với cảnh quan môi trường. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những bản làng lọt giữa các thung lũng đã tạo nên bức tranh tuyệt đẹp, là thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Năm 2019, Khu Du lịch sinh thái Pù Luông, Bản Đôn (xã Thành Lâm), Bản Kho Mường, Bản Báng (xã Thành Sơn), Thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng.

Theo báo cáo của phòng Văn hóa Huyện Bá Thước, Năm 2022, hoạt động du lịch ở Pù Luông tăng trưởng mạnh trở lại, đón được: 82.646 lượt khách vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (trong đó: khách quốc tế 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt khách).

Tuy nhiên, số lượt khách đến đây vẫn ở mức hạn chế so với thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch tại đây còn nghèo nàn, nhỏ lẻ phần lớn là các gia đình tự làm du lịch dẫn đến hiệu quả kinh tế từ ngành công nghiệp “không khói” này mang lại chưa cao. Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối giữa các điểm du lịch để hình thành tour gặp nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, huyện Bá Thước cho biết: “Do trước đây bà con chủ yếu canh tác thuần nông, nay bắt đầu chuyển sang làm du lịch nên còn nhiều khó khăn bất cập, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hàng năm các sở ban ngành đều mở những lớp tập huấn các kỹ năng làm du lịch. Tuy nhiên để mà phát triển được cần có một doanh nghiệp đứng ra làm du lịch chứ nếu để người dân tự mò thì rất khó”.

Tại khu du lịch Bản Mạ, trị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Bản có 57 hộ dân đều là người Thái. Trước đây bà con chủ yếu làm nương, rẫy, hiệu quả kinh tế kém. Năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông được khánh thành đưa vào sử dụng. Từ đấy du lịch cộng đồng nơi bắt đầu hình thành và phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về trải nghiệm

Du lịch ở đây phần lớn đều do các hộ tự mày mò. Do thói quen, tập tục canh tác sản xuất thuần nông, nên sau khi chuyển sang làm dịch vụ thương mại du lịch dẫn đến hiệu quả thu lại không cao, các sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhỏ lẻ mang tính tự phát.

Chia sẻ về những hạn chế này, ông Vi Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Do tập tục sinh hoạt của các hộ dân lâu nay chỉ mang tính tự cung tự cấp, nên khi chuyển sang làm du lịch dẫn đến còn nhiều bỡ ngỡ. Chính quyền đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn để các hộ dân nhận thức rõ, từ đó nâng cao chất lượng làm du lịch. Ngoài ra, để tránh tình trạng du lịch mạnh ai người đấy làm, chính quyền đã khuyến khích các hộ dân thành lập HTX du lịch, thông qua đó dễ quản lý và triển khai hơn”.

Để khắc phục những hạn chế của du lịch sinh thái cộng đồng tại Thanh Hóa cần có chiến lược đầu tư phát triển và kết nối đồng bộ. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch, phát triển kinh tế của các địa phương. Tạo sinh kế cho nhiều lao động và góp phần gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn do phát triển du lịch gây ra.

Chạy theo xu hướng, khó quản lý

Cùng với sự bùng nổ của du lịch trải nghiệm, để đáp ứng được nhu cầu của du khác, nhiều cơ sở du lịch tại một số địa phương đã tự ý xây hàng loạt Homestay trái phép, phá hủy cảnh quan môi trường xung quanh, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Theo đó, nhiều ngôi nhà sàn cùng các công trình trái phép mọc lên ở dọc bãi biển huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa... Một số dự án mặc dù đã được quy hoạch, thế nhưng từ bản thế kế đến thực tế lại khác nhau một trời một vực. Thậm chí nhiều đơn vị phớt lờ các quy định của pháp luật, ngang nhiên xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục trái phép.

du-lich-sinh-thai-3-1696582975.jpg
Để bắt kịp xu hướng, nhiều ngôi nhà sàn, homstay trái phép mọc lên, khó khăn cho công tác quản lý.

Tại Khu Du lịch Eo Gió Bãi Ngang tại thôn 8, xã Quảng Thái huyện Quảng Xương là một điển hình. Mặc dù là điểm du lịch mới, song nơi đây thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ bắt đúng xu hướng du lịch camping (cắm trại), trải nghiệm, không gian nơi đây còn nối liền với bờ biển khiến du khách vô cùng thích thú.

Khu du lịch này bao gồm các hạng mục nhà cấp 4, các lều trại, hệ thống cây xanh, đường nội bộ lát bằng tấm bê tông và thảm cỏ nhân tạo được trải trong khuôn viên. Thế nhưng, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng xác định đây là khu du lịch xây dựng trái phép và tự ý thay đổi hiện trạng đất. Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Quảng Thái đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ ông Trần Công Dương và chuyển hồ sơ lên UBND huyện Quảng Xương xử phạt vì vượt quá thẩm quyền.

Hay như ở huyện Thường Xuân, Dự án Nông trại Golden Cow dù chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã thi công hoàn thiện nhiều hạng mục công trình trái với quy định.

Để bắt kịp xu hướng, thị hiếu của khách du lịch, nhiều mô hình du lịch như homestay, nông trại, camping... tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng ra đời. Tuy nhiên phát triển du lịch cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật không thể xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Thực hiện đúng chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Hà Khải