Làm gì để bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp trong các lễ hội mùa Xuân?

Với số lượng lớn, lại tập trung chủ yếu vào mùa Xuân nên các lễ hội trên cả nước khó tránh có những biểu hiện tiêu cực, cần những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp.

Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Từ xa xưa, lễ hội truyền thống đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của nhân dân. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân khắp cả nước lại náo nức đi trẩy hội.

Trải qua thời gian, truyền thống này vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát triển, trở thành một nét đẹp đầu Xuân, năm mới.

Tuy nhiên, với số lượng lễ hội lớn, lại tập trung chủ yếu ở mùa Xuân, khó tránh khỏi biểu hiện tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp trong các lễ hội mùa Xuân.

le-hoi-2024-01-1707790950.jpg
Du khách trẩy hội chùa Hương trên dòng suối Yến. (Ảnh TTXVN)

Mùa xuân mùa lễ hội gắn với truyền thống văn hóa

Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có gần 9.000 lễ hội truyền thống, là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục.

Lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử. Trước hết, lễ hội nhằm tôn vinh những “hình tượng thiêng,” những vị thần, những người có công lao với đất nước, với cộng đồng, để củng cố điểm tựa tâm linh và khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người. Các vị thần là đấng siêu nhiên, che chở, bảo hộ cư dân, phù hộ cho “nhân khang, vật thịnh,” “tứ quý bình an”, tiếp nhận lời cầu xin của cư dân để họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.

Là một quốc gia văn minh lúa nước, lễ hội truyền thống của Việt Nam diễn ra trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố, sôi động nhất vào mùa Xuân, sau Tết Nguyên đán, khi nhà nông nhàn rỗi, và người dân có nhu cầu tâm linh cầu một năm mới tốt lành.

Đa số lễ hội diễn ra trong phạm vi làng xã, bên cạnh đó có những lễ hội mang tính khu vực như Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội), Đền Trần (Nam Định), lễ hội Óc Om Bóc (Sóc Trăng)... và có lễ hội mang tính quốc gia như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang).

Có lễ hội diễn ra trong một vài ngày, có lễ hội diễn ra hàng tháng như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)....

le-hoi-2024-02-1707790984.jpg
Người dân và du khách đến đền Trần (Nam Định) để dâng hương, dâng lễ đầu Xuân. (Ảnh TTXVN)

Trong lễ hội, sau nghi lễ là phần hội. Đây là dịp để người dân hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời giao lưu nhằm cố kết cộng đồng. Vì vậy, lễ hội là một hoạt động đặc biệt, không thể thiếu ở mỗi cộng đồng dân cư. Lễ hội còn là dịp ôn lại truyền thống dựng và giữ nước của nhân dân ta suốt chiều dài lịch sử. Mỗi cộng đồng làng xã có truyền thống riêng, lễ hội là dịp ôn lại, diễn lại... Tất cả những lễ hội ấy với sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc.

Những biểu hiện tiêu cực

Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách, đem về cho địa phương nguồn thu lớn từ các dịch vụ của ngành công nghiệp không khói.

Tuy nhiên, cùng với sự "lên ngôi" của lễ hội đã dẫn tới một số hệ lụy gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước hết, phải kể tới việc một số người lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức cờ gian bạc lận, trục lợi từ lễ hội, gây lãng phí thời gian, phung phí tiền bạc vào vàng mã và lễ vật.

Cùng với đó, là những hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, nâng giá bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông.

Khâu tổ chức ở một số lễ hội phần "lễ" nặng hơn phần "hội"; các trò vui chơi có thưởng thực chất là cờ bạc công khai, móc túi du khách còn nhiều, mà những trò vui mang tính giải trí lành mạnh còn ít... Vì thế, nét đẹp của lễ hội cũng bị giảm đi phần nào.

Một số địa phương coi di tích, lễ hội là nguồn lợi của địa phương chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Nhiều nơi lập nhiều ban thờ, hòm công đức, đĩa để tiền giọt dầu tại di tích, nhiều du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi mọi chỗ, làm mất đi sự trang nghiêm thanh tịnh, gây sự phản cảm cho sinh hoạt lễ hội.

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội còn hạn chế. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu, trách nhiệm ý thức của du khách rất hạn chế, như xả rác tùy tiện, đốt vàng mã còn nhiều, bất chấp quy định của ban tổ chức lễ hội.

Gìn giữ nét đẹp của lễ hội

Theo các chuyên gia văn hóa, những hành vi tiêu cực trong lễ hội về bản chất, đều do người tham gia chưa hiểu biết thấu đáo bản chất văn hóa của lễ hội. Chính vì vậy, cốt lõi là làm tốt công tác tuyên truyền, để công chúng hiểu được những thông điệp văn hóa mà người xưa muốn truyền lại qua lễ hội.

Các chương trình tuyên truyền cũng cần tổ chức thường xuyên, hiệu quả, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành, chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu Xuân. Cùng với đó là các biện pháp quản lý phù hợp, linh hoạt theo sự biến đổi của thực tế đời sống

Bên cạnh đó, để đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong lễ hội, cần có quy định xử phạt cụ thể và khả thi, tránh hiện tượng nhờn luật; tăng cơ hội thực hành các giá trị văn hóa truyền thống cho nhân dân, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc, tự tin về văn hóa giàu bản sắc của đất nước đối với mỗi người dân.

le-hoi-2024-03-1707790920.jpg
Lễ rước kiệu vua Quang Trung và Công chúa Ngọc Hân trong Lễ hội gò Đống Đa kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 2023 ở Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Ngày 30/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Công điện nêu rõ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhất là ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các lễ hội truyền thống, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ và nhân dân tham dự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống và văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để diễn ra việc lợi dụng lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và an ninh, trật tự.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng và thờ tự, cơ sở tôn giáo và lễ hội; kịp thời phản ánh các hình thức tổ chức hoạt động lễ hội, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, trang trọng; đồng thời lên án, đấu tranh quyết liệt chống các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội để trục lợi, tuyên truyền, thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các địa điểm tổ chức lễ hội.

Chủ động nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự.

Lễ hội trang trọng nhưng văn minh, tiết kiệm

Chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân 2024 diễn ra văn minh, an toàn, giàu bản sắc truyền thống, thành phố Hà Nội - nơi có nhiều lễ hội nhất cả nước - với hơn 1.500 lễ hội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, năm nay lễ hội sẽ được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

le-hoi-2024-04-1707791045.jpg
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh TTXVN)

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu các địa phương chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những lễ hội có yếu tố sông nước (các hoạt động rước nước, chèo thuyền trên sông) phải bảo đảm an ninh, an toàn cho những người tham gia.

Công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng, trong đó nhiều lễ hội có nhiều đổi mới. Điển hình như Quận Đống Đa có bãi đỗ xe miễn phí, không có bán hàng rong trong khuôn viên tổ chức lễ hội Gò Đống Đa, tăng cường thêm một đêm nghệ thuật phục vụ nhân dân thưởng thức và vui Xuân.

Lễ khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm, sau đó sẽ trình chiếu 3D mapping ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng. Tại lễ hội Gióng đền Sóc sẽ đảm bảo việc "tất lộc" đúng như truyền thống và không xảy ra việc tranh cướp lộn xộn. Các đơn vị ở Hà Nội cũng đã ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống./.

Đinh Thuận