Khẩn trương chống hạn mặn không để dân thiếu nước sinh hoạt và không có nước cho sản xuất

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương ĐBSCL bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ về nguyên tắc: Không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt, không được để không có nước cho sản xuất công nghiệp, không được để ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm, diện tích nuôi trồng thủy sản...
phong-chong-han-man-02-1710302237.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. (Ảnh: Minh Đảm)

Khoảng 20.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng hạn mặn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/3, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm nay, tình hình hạn mặn tại ĐBSCL được các cơ quan chuyên môn của Bộ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Nước mặn xâm nhập sâu hơn trung bình chung nhiều năm từ 5 - 15km tuy nhiên vẫn thấp hơn đợt hạn mặn mùa khô 2019 - 2020 khoảng 10 - 15km.

Qua kiểm tra và làm việc với lãnh đạo các địa phương, Thứ trưởng đánh giá các tỉnh ĐBSCL đã có kinh nghiệm trong ứng phó với hạn mặn, chỉ đạo rất sát với dự báo và chuẩn bị kế hoạch ứng phó từ rất sớm, không để bị động bất ngờ.

Toàn bộ diện tích lúa đông xuân của vùng khoảng 1,5 triệu ha đã được xuống giống trước một tháng, đến nay đã thu hoạch hơn 600.000ha, số còn lại cơ bản không bị hạn mặn ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn có khoảng 20.000ha bị ảnh hưởng, chủ yếu tại hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Diện tích này nằm ngoài vùng khuyến cáo và do bà con xuống giống muộn.

phong-chong-han-man-03-1710302287.jpg
Qua rà soát vẫn còn có khoảng 20.000ha bị ảnh hưởng hạn mặn, chủ yếu tại hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. (Ảnh minh họa)

Đối với các vùng chuyên canh cây ăn trái, được người dân và chính quyền chủ động các giải pháp đề phòng, đang được bảo đảm tuyệt đối. Ngoài ra, sản xuất thủy sản, công nghiệp đang được diễn ra bình thường, chưa bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, đối với vấn đề nước sinh hoạt cho người dân vẫn còn có một số vùng chưa đảm bảo, có khả năng bị ảnh hưởng. Qua rà soát, toàn vùng có khoảng 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng nước sinh hoạt, chủ yếu đến từ các nhà máy nước tập trung. Ngoài ra, còn khoảng 10.000 hộ nhỏ lẻ, phân tán cũng đang bị ảnh hưởng về nước sinh hoạt.

Cũng theo Thứ trưởng, đây là thời điểm hạn mặn cao nhất của năm nay. Và ĐBSCL sẽ còn đối mặt với hai đợt hạn mặn nữa, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng được dự báo sẽ thấp hơn đợt cao điểm từ ngày 10 - 13/3 này khá nhiều.

Trên bình diện chung, Thứ trưởng nhận xét: “Đến thời điểm này, đối với các giải pháp công trình, phi công trình trong phòng chống hạn mặn Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành địa phương đang thực hiện rất đúng các chỉ đạo trong công điện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, giải pháp phi công trình, với vụ đông xuân, Bộ đã chỉ đạo đẩy lịch xuống giống sớm hơn một tháng. Để đảm bảo cho ứng phó tốt với hạn mặn như ngày hôm nay, các địa phương đã rà soát đánh giá khả năng thiếu nước đến từng hộ gia đình, từng mảnh vườn”.

Chính vì thế, giải pháp trữ nước không tập trung năm nay được Thứ trưởng đánh giá rất cao. Đến giờ này, ứng phó hạn mặn thành công được là nhờ giải pháp trữ nước không tập trung đối với nước sinh hoạt lẫn sản xuất.

Bên cạnh đó, vấn đề công trình hiện nay đã phát huy hiệu quả. Thứ trưởng lấy ví dụ là công trình cống ngăn mặn trữ ngọt Cái Lớn - Cái Bé, ngoài ra, còn có một loạt cống điều hòa mặn ngọt tại ĐBSCL do Bộ NN&PTNT đầu tư cũng phát huy hiệu quả cao.

“Điển hình như tại tỉnh Bến Tre, các công trình đã hỗ trợ ngăn mặn đảm bảo nước sản xuất cho tỉnh so với hạn mặn 2019 - 2020 là hơn 30.000ha, chiếm đáng kể trong diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.

Cùng với các giải pháp công trình lẫn phi công trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương ĐBSCL bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ về nguyên tắc: “Không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt, không được để không có nước cho sản xuất công nghiệp, không được để ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm, diện tích nuôi trồng thủy sản. Những công trình đang làm phải đẩy nhanh tiến độ”.

Không xuống giống lúa ở các vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các địa phương khu vực ĐBSCL về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để chủ động ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nội dung:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

- Tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đang cung cấp bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn hằng tuần và khi có tình huống đột xuất) để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

phong-chong-han-man-04-1710302322.jpg
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khẩn trương ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, khẩn trương tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, hoặc khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

- Tiếp tục tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh. Tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

- Các địa phương phải khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Chủ động sử dụng các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, đào ao, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục... Trường hợp cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí.

- Thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện truyền thông khác đến chính quyền địa phương, người dân, tổ chức liên quan để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của xâm nhập mặn, các đề xuất, kiến nghị về Bộ NN-PTNT (qua Cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm, cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016, 2019 - 2020. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết mùa khô, các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện trong các ngày từ 10/3 - 14/3, 24 - 28/3; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 10 - 13/3, 24 - 28/3, 08 - 13/4, 22 - 28/4./.

Bình Nguyên