Hợp tác Việt Nam - Italy đưa nông sản chất lượng cao vươn tầm quốc tế

Việt Nam và Italy hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng và thương mại nông sản là điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác hiện nay. Trên tinh thần các hiệp định được ký kết cùng với bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp, hai bên kỳ vọng đẩy mạnh việc cung ứng nông sản chất lượng cao cho thế giới.

Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan làm việc và ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền thực phẩm và Lâm nghiệp Italy. Việt Nam và Italy là hai nước có nhiều tương đồng về địa lý, về văn hóa, ẩm thực, cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nền nông nghiệp hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm.

hop-tac-thuong-mai-01-1709432762.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Francesco Lolllobrigida.

Hai nước có mối quan hệ thương mại hiệu quả

Thương mại nông sản là điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Italy. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt tiêu, điều, rau quả, gỗ, cao su sang Italy với trị giá 500 triệu USD.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy kim ngạch nông sản giữa hai nước tăng qua các năm và nhiều nông sản như cà phê, thủy sản, gia vị như quế, hồi được ưa chuộng tại thị trường Italy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

Bộ trưởng thông tin thêm, Việt Nam sản xuất nông nghiệp không chỉ để tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Vì thế, Bộ NN&PTNT rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng, phấn đấu cung ứng nông sản chất lượng cao, phát thải thấp, có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

Trao đổi tại cuộc họp, ông Francesco Lollobrigida, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền thực phẩm và Lâm nghiệp Italy đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam những năm qua. Ông nói: “Việt Nam và Italy hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Chúng ta đều đặt những trọng tâm về sản xuất nông sản chất lượng, đảm bảo các chế độ dinh dưỡng an toàn thực phẩm. Trên phương diện đó, Italy và Việt Nam có rất nhiều điểm để có thể chia sẻ hơn nữa”.

hop-tac-thuong-mai-03-1709432744.jpg
Thủy sản là một trong những mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang Italy. (Ảnh minh họa)

Đề cập tới những giá trị cốt lõi của nền sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề “thẻ vàng” IUU về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

“Đây là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ nhiệt đới sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm. Gỡ thẻ vàng IUU không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm của đất nước, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết. Ông cảm ơn phía Italy đã rất quan tâm và hỗ trợ Việt Nam vấn đề này trong thời gian qua.

Tăng cường chia sẻ công nghệ sản xuất, thông tin thị trường

Bộ trưởng Lollobrigida ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam triển khai các khuyến nghị của Liên minh Châu Âu và chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực thi. Ông cũng lưu ý mốc thời gian quan trọng vào tháng 6/2024 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu lần thứ 10. Như vậy, Bộ NN-PTNT có thể kỳ vọng một số thay đổi nhất định về chính sách thương mại quốc tế, cũng như sự thay đổi bộ máy nhân sự của Ủy ban Châu Âu (EC). Riêng đối với Italy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền thực phẩm và Lâm nghiệp nước này cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực để giúp Việt Nam phát triển ngành thủy sản bền vững.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thực phẩm, Việt Nam - Italy sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kiến thức kỹ thuật trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật; quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản.

Nhìn xa hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong phía Italy sẽ chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm xử lý các vấn đề hiện nay hai nước đang đối mặt như hạn hán và thiếu nước tưới tiêu, trao đổi để cùng đưa ra các giải pháp hợp lý. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mà hai bên có ưu thế như cơ giới hóa nông nghiệp của Italia, kiến thức nông nghiệp bản địa của Việt Nam; phối hợp chia sẻ các sản phẩm thủ công và nông sản ưu thế của hai nước tại các triển lãm nông sản của hai nước.

hop-tac-thuong-mai-02-1709432822.jpg
Hai Bộ trưởng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.

Về lâm nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Italy ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đối với Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững.

Ông Francesco Lolllobrigida cho biết: Italia có nhiều máy móc nông nghiệp với kích thước tầm trung và nhỏ, rất phù hợp với các loại hình canh tác nông nghiệp ở Việt Nam. Italia cũng có nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gien, giống trong nông nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để tạo nên những nông sản có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao.

"Đối với thương mại nông sản hai bên, kim ngạch trao đổi thương mại hai bên ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa thương mại nông sản hai nước vì Italia có những sản phẩm nông sản mang tính bổ sung cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Italia luôn nhìn nhận Việt Nam là một đối tác quan trọng trong nông nghiệp. Italia luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững hướng tới xuất khẩu. Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn. Để tăng cường năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp, Việt Nam cần tăng cường các giải pháp về khoa học công nghệ và Italia có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này" - Ông Francesco Lolllobrigida, Bộ trưởng Nông nghiệp, Chủ quyền Thực phẩm và Lâm nghiệp Italia nhận định.

Kết thúc buổi tọa đàm, hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền Thực phẩm và Lâm nghiệp Italia. Sự kiện này sẽ tạo cơ sở, động lực thúc đẩy quan hệ sâu rộng và hiệu quả giữa hai Bộ trong thời gian tới./.

“Với định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững, một thị trường 100 triệu dân, Việt Nam là cơ hội tốt để Italia tăng cường mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hai nước; hai bên có thể tăng cường thúc đẩy hợp tác khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông sản hiện đại, bền vững. Việt Nam đang định hướng cung ứng nông sản sạch, chất lượng cao, phát thải thấp, có trách nhiệm, minh bạch và bền vững; đang tích cực phát triển và bảo vệ thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thế giới” - Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bình Châu