Hành trình đến với nghề báo

Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh, bụi bặm đối lập hoàn toàn với giọng nói vang to, rõ ràng, mang đầy nội lực. Đó là những đặc điểm đầu tiên về phóng viên Trần Minh Tuấn (Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh) mà chúng tôi cảm nhận được.
lam-bao-1687255210.jpg
 

Có lẽ với những người “chưa từng trải”, lần đầu tiên tiếp xúc sẽ không có cảm tình do cá tính của anh quá mạnh thường lấn át người đối diện. Nhưng khi đã có sự trải nghiệm, tiếp xúc nhiều, chúng ta sẽ thấy và cảm được những sự đối lập ẩn sâu bên trong con người anh, khác với sự mạnh mẽ bên ngoài.

Trần Minh Tuấn và tôi có một khoảng cách về tuổi tác, gần như là hai thế hệ khác nhau, nhưng chúng tôi lại có cùng một tuổi thơ trên con phố nhỏ Lò Đúc, Hà Nội, nơi đã gắn bó với tuổi thơ của đám trẻ con nhà công chức nghèo. Hồi xưa, phố Lò Đúc được bọn trẻ gọi là phố Cò. Vì mỗi đợt mưa bão, cò lại từ đâu bay về trú bão trên những tán cây long não, xà cừ rất to, đậu trắng cả những tán cây, góc phố.

Chiều chiều, đám trẻ con chúng tôi thường í ới gọi nhau đi nhặt trứng cò trên các tán cây thấp. Có lẽ vì cùng có chung một tuổi thơ, cùng ở trong khung cảnh “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” nên tôi và anh đều mang một cái “chất” gì đó rất riêng của người Hà Nội: “biết nhường nhịn” trước những điều nhỏ nhặt, “biết nể” những con người có hành động và lối sống đẹp, “biết ngượng” với chính bản thân, trời đất khi không thể (hoặc chưa thể) làm được những điều mình mong muốn.

Sinh ra trong một gia đình được coi là tầng lớp tư sản, anh đặc biệt kính trọng và ngưỡng mộ người ông nội của mình, chủ thương hiệu nước mắm Quảng Tài nức tiếng ở Hà Nội khi đó. Ngay từ khi còn bé, anh đã được học ở ông nhiều bài học đáng quý về cách sống. Khi đó, ở Hà Nội ông nội anh là một trong những người đầu tiên đặt ra hình thức kinh doanh rất mới lạ.

Ông thu mua nước mắm ngon ở nhiều địa phương trong cả nước rồi sản xuất quy mô thành một thương hiệu của riêng mình: nước mắm Quảng Tài. Gia đình có điều kiện nhưng ông lại không “vắt kiệt” sức lao động của người làm thuê như những nhà tư sản khác mà sống rất rộng rãi với họ. Chưa bao giờ ông coi họ, như những người làm công, trái lại ông trân trọng công sức của người lao động. Với dòng tộc, ông luôn sẻ chia, giúp đỡ mỗi khi con cháu gặp khó khăn.

lam-bao-1-1687255225.jpg
PV Trần Minh Tuấn phỏng vấn nhạc sĩ Trần Văn Khê vào năm 2008.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã chủ động nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi bị phát hiện, tài sản mà bao lâu ông tích cóp đã bị Pháp tịch thu, dù chịu nhiều đòn tra tấn dã man của địch nhưng với tấm lòng kiên trung với cách mạng, ông tuyệt nhiên không hé răng nửa lời. Sau này, khi cách mạng thành công, ông cũng không màng khai báo thành tích. Ông coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, trước những biến động của thời cuộc.

Ngày ông mất, hình ảnh đoàn người đưa tiễn ông kéo dài hàng cây số đã in sâu vào trong tâm trí cậu bé Trần Minh Tuấn. Đó cũng là kim chỉ nam cho lối sống sau này của anh: Sống hết mình với công việc, nhiệt tình với anh em, bạn bè và đồng nghiệp. Anh luôn thấm nhuần những bài học của ông nội, coi đó như là phương châm sống và hành động của mình. Ông đã dạy cho anh bài học đáng giá đầu tiên tuy nhỏ nhặt nhưng lại mang nhiều ý nghĩa: Dù có tiền hay không cũng phải sống sao cho đàng hoàng!

Từ ngày ông mất, anh hụt hẫng, mất phương hướng. Sau một trận ốm dài ngày, những “viên thuốc” đã cứu chữa tâm hồn anh chính là những tờ báo đã ố vàng. Từ những bài viết ấy, ước mơ trở thành “nhà báo” luôn cháy trong huyết quản anh. Nghĩ và làm, việc đầu tiên là anh tích cóp những đồng tiền từ mồ hôi, sức lao động của mình để sở hữu chiếc máy ảnh cơ Praktica của Đức, ngay từ những năm học cấp II (Trường THCS Trưng Nhị, anh là học trò của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trọng Thanh và NSNA Hoài Linh (cựu PV báo Hoa học trò).

Bước sang cấp III, anh học trường chuyên Lê Quý Đôn và theo đuổi khối B. Dù là dân “ngoại đạo” những môn xã hội nhưng với vốn kiến thức tự học, cũng đủ để anh tự tin tham dự và vượt qua nhiều vòng thi học sinh giỏi môn Lịch sử ở các cấp. Đang trở thành “điểm sáng” của thầy cô và bạn bè, anh quyết định nghỉ học, đi làm “ông chủ” kinh doanh sách báo cũ.

lam-bao-2-1687255238.jpg
PV Minh Tuấn gặp huyền thoại “Vua săn voi” Amakông ở xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đầu năm 2000
lam-bao-3-1687255250.jpg
Phóng viên Minh Tuấn tác nghiệp đưa tin lần đầu tiên Đội tuyển Việt Nam vô địch Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á năm 2008

Anh thu mua sách báo cũ với giá “đồng nát” rồi tỉ mẩn ngồi cặm cụi bọc lại từng quyển sách đã sờn gáy, sau đó bán lại. Tiền kiếm được nhiều, anh lại đầu tư vào sách. Thời điểm đó, gian phòng của anh toàn sách với báo. Đang thời kỳ, mở mắt ra là “thấy tiền”, khát vọng trở thành “nhà báo” vẫn luôn gặm nhấm trong tâm can, anh quyết định đi học Trường bổ túc Tây Sơn.

Vừa cầm mảnh bằng cấp III trong tay, anh đăng ký dự thi Trường Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngay từ năm nhất sinh viên, anh đã trăn trở và đặt câu hỏi: Ai là Trưởng ban tổ chức ngày lễ độc lập 02/9/1945? Và anh đã tự đi tìm câu trả lời cho mình, kỳ công dành thời gian hơn 3 tháng để tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ nhiều người viết bài về ông Nguyễn Hữu Đang. Bài viết chưa ráo mực, anh đã chủ động gõ cửa các báo. May mắn, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Người Hà Nội… đã đăng bài viết 2.500 từ của anh, bên dưới ký tên Trần Minh Tuấn. Từ đó anh chính thức đến với nghề báo, với bút danh Tuấn Trần.

Kiên Cường