Hà Tĩnh: Long trọng lễ đón Bằng công nhận "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới"

Sáng 24/6, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 - 2023), 240 năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 2023) và công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, họ Trần, Hoàng.

z4458751934339-d8fd879ac82b8249a38de03f00dba8da-1687584427.jpg
Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng cho tỉnh Hà Tĩnh.

Mở đầu buổi lễ, các đại biểu đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc khắc họa rõ nét về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa của làng Trường Lưu nói riêng và con người Hà Tĩnh nói chung.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL); đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình; đại diện các dòng họ Nguyễn Huy, dòng họ Hoàng Văn, dòng họ Trần Văn ở xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc)...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã ôn lại thân thế, cuộc đời và những đóng góp to lớn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự, danh nhân Nguyễn Huy Hổ trên các lĩnh vực.

trang-1-1687584601.jpg
Chương trình văn nghệ tại buổi lễ.

Từ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, có thể thấy dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường văn hóa, kiến tạo các giá trị văn hóa cho quê hương và lan tỏa các giá trị văn hóa ấy ra khắp vùng Hồng Lam.

Trải qua sự biến thiên của lịch sử, không gian văn hóa làng Trường Lưu vẫn lưu giữ được giá trị đặc sắc với nhiều trầm tích, góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của quê hương, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của dân tộc. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa của cha ông là một việc làm thiết thực và ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ và sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương, tháng 11/2022, Văn bản Hán Nôm Trường Lưu vinh dự được ghi vào danh sách Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

trang-3-1687584776.jpg
Những văn bản Hán Nôm được lưu giữ khá tốt.

Đây là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, họ Trần, Hoàng, Phan thuộc làng Trường Lưu… Các văn bản này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó và lụa trong quãng thời gian từ năm 1689 đến 1943. Những văn bản này hiện là những tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục, mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được ghi danh là Di sản tư liệu của Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây thực sự là vinh dự lớn của dòng họ Nguyễn Huy, của người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh. Các tư liệu này mãi là nguồn tài sản vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế chúng ta…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương chúc mừng Hà Tĩnh khi Văn bản Hán Nôm Trường Lưu được ghi vào danh sách Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

trang4-1687584855.jpg
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày văn bản Hán Nôm.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Trường Lưu và của tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đề nghị tỉnh cần khẩn trương quy hoạch làng văn hóa Trường Lưu, có kế hoạch tổng thể về bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh; tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh các di sản của tỉnh, của làng Trường Lưu; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản…

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cũng mong muốn các dòng họ, các chủ sở hữu di sản tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước để bảo vệ, khai thác thật hiệu quả, khoa học tổng thể kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943) là bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn (1689 - 1943), trong tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803 - 1943) và 3 bức trướng bằng lụa tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt. Mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

z4458860788382-ed55d8d78f7c6169cc0a55c727e38ac6-1723-1687585014.jpg
Những văn bản được viết trên giấy gió hoặc lụa, chữ viết rõ nét.

Chất liệu mang tính đa dạng: giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa. Chữ viết đẹp, rõ ràng. Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX...

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Duyên