Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu Quốc lộ 24, công trình có quy mô lớn nhất của tỉnh Kon Tum đang triển khai. Dự án thi công đoạn qua tỉnh Kon Tum có 3 gói thầu 4,5,6 có chiều dài hơn 31km với tổng kinh phí 840 tỷ đồng. Thời gian thi công từ 7/2020 đến 31/12/2021. Hiện, công trình đang gấp rút thi công để về đích đúng hẹn.
Thông điểm “nóng”
Quốc lộ 24 là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Nhiều năm qua, tuyến đường xuống cấp nhiều, dọc tuyến có hàng chục khúc cua nguy hiểm nên Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cho phép cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 nhằm tạo thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này.
Để giúp cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến được thuận lợi, an toàn, dự án đã chỉnh, nắn khoảng 30 đoạn tuyến có cua nguy hiểm, độ cao, vực sâu lớn để giúp đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của con đường. Đây là các điểm “nóng” khi có khối lượng đào đắp lớn. Khi thời gian đang ít dần, ngoài gói thầu số 6 đã hoàn thành, hiện các gói thầu số 4, 5 đang chạy đua để kịp đưa công trình về đúng hạn, trong đó “nóng” nhất là đoạn Dốc Ba tầng qua xã Hiếu huyện Kon Plông.
Dốc Ba tầng có chiều dài tuyến 3km, là vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi khi làm dự án.
Đến cuối tháng 5, đơn vị thi công mới nhận được mặt bằng nơi đây để thi công. Tại đây, lực lượng thi công đang phải hạ độ cao nhiều đoạn, có nhiều điểm, vị trí độ cao hạ từ 30-50m theo phương thẳng đứng. Cùng đó, nâng các một số vị trí thấp lên cao từ 7-12m để đảm bảo độ dốc theo chuẩn kỹ thuật của dự án. Tổng khối lượng đào đắp đoạn dốc Ba Tầng hơn 500.000 m3, chiếm 1/4 khối lượng đào đắp trên toàn công trình.
Ông Bùi Huy Trình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trường Long – đơn vị thi công trên tuyến cho biết: Dốc Ba tầng bàn giao mặt bằng chậm, khối lượng đào đắp lớn. Vị trí có độ cao trên 1.200m, hay xuất hiện mưa bất thường, mưa dông, đơn vị phải dùng nhiều biện pháp, tập trung nhiều phương tiện, máy móc, con người để thi công để khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ. Đến nay, ở những điểm cao cơ bản đã hạ tới cốt mặt đường. Nếu thời tiết thuận lợi, trong cuối tháng 10, sẽ đào hết lượng đất còn lại để thông tuyến tại vị trí Dốc Ba tầng.
Ngoài vị trí Dốc Ba tầng, các điểm “nóng” khác để hạ độ cao, cắt cua nguy hiểm cơ bản đã thông tuyến, đảm bảo tiến độ. Hiện trên công trình, mọi người vẫn đang “đua” cùng thời gian, thời tiết. Chỉ cần mưa, các vị trí đang đào đắp trở nên lầy lội, người và phương tiện khó lưu thông. Các vị trí đang thảm nhựa càng gặp khó, ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn tuyến. Để đảm bảo tiến độ, đơn vị phải chia 5 mũi khác nhau để thi công toàn tuyến, riêng Dốc Ba tầng có 3 mũi thi công. Thời gian thi công từ sáng sớm để tránh mưa dông thường hay xuất hiện buổi chiều. Các đơn vị làm việc liên tục, bố trí 2, 3 ca, một số kíp phải làm ca đêm.
Hiện tất cả phương tiện, nhân lực đã tổng lực huy động, hy vọng thời tiết thuận lợi sẽ giúp các đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình Quốc lộ 24 đúng hạn.
Sớm hỗ trợ dân
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, đưa công trình về đích đúng hạn, một vấn đề phát sinh mới khi thi công Quốc lộ 24. Cụ thể, trong quá trình thi công, một số diện tích hoa màu của dân bị ảnh hưởng, người dân đã kiến nghị lên chính quyền và chủ đầu tư.
“Trong quá trình thi công Quốc lộ 24 đoạn qua xã Hiếu, khối lượng đào đắp lớn, gặp mưa nhiều, đất cuốn theo nước xuống các diện tích ruộng, ảnh hưởng đến hoa màu của dân. Hiện công tác đo đạc, tổng hợp số liệu UBND xã đã phối hợp với hội đồng đền bù huyện, chủ đầu tư tiến hành đo đạc, xác định rõ khối lượng để có phương án hỗ trợ cho người bị thiệt hại. Hội đồng đền bù đã có phương án áp giá và đã gửi chủ đầu tư để có phương án hỗ trợ trong thời gian sớm nhất cho người dân trên địa bàn” ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết.
Thừa nhận do công trình có khối lượng đào đắp lớn, địa bàn đồi dốc, lúa của dân chủ yếu ở các khe nên khi mưa xuống, nước sẽ kéo theo đất chảy vào ruộng lúa, làm ảnh hưởng đến đất canh tác của dân, ông Bùi Huy Trình cho biết: “Thực ra những cái này là bất khả kháng trong giải pháp thi công. Chính quyền địa phương và người dân kiến nghị, chúng tôi đã chủ động cùng các bên liên quan, chủ đầu tư đo đạc, xác định diện tích dân đang canh tác bị ảnh hưởng. Tuần này chúng tôi cũng sẽ họp có giải pháp để hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, để người dân ổn định cuộc sống”.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật – Thẩm định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Kon Tum (đơn vị được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum ủy thác quản lý dự án) cho hay, trong quá trình thi công dự án Quốc lộ 24 có xuất hiện tình trạng đất theo nước mưa tràn vào ruộng lúa của người dân với nhiều mức độ khác nhau.
Hiện Bản quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và hộ gia đình đi kiểm tra, xác định, đo đạc và đang lập phương án để sớm bồi thường. Việc bồi thường cho người dân sẽ sớm được triển khai đến người dân trong tháng 10.
Theo đó, phương án hỗ trợ sẽ căn cứ mức độ ảnh hưởng để chi. Cụ thể, với những diện tích bị ảnh hưởng 70% diện tích trở lên dự kiến sẽ hỗ trợ dân 3 vụ lúa, từ 50-70% bị ảnh hưởng hỗ trợ 2 vụ lúa; đối với diện tích ảnh hưởng từ 30-50% hỗ trợ 1,5 vụ lúa…Phương án đền bù đã được gửi cho chính quyền vào đầu tháng 10 để thông báo cho dân biết, tham gia góp ý thêm.
Qua khảo sát, diện tích lúa nước của dân chủ yếu canh tác ở các khe suối, diện tích manh mún nên ảnh hưởng không nhiều. Theo thống kê, toàn huyện Kon Plông có hơn 8 ha lúa bị ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau; trong đó, các diện tích lúa bị nước đục ngập từ 2-3cm, lúa còn tốt chiếm số lượng lớn.
Để đảm bảo tiến độ công trình, ngay từ ban đầu, khi mặt bằng bãi thải chưa được bàn giao đủ, các đơn vị đã chủ động thỏa thuận với nhiều hộ dân để thuê đất trống làm bãi thải trên tuyến. Sau khi công trình hoàn thành, các đơn vị thi công hoàn trả lại mặt bằng cho dân. Việc chủ động, linh hoạt đã giúp việc thi công tuyến đường thuận lợi, góp phần đảm bảo an toàn cho việc lưu thông của người và phương tiện trên tuyến./.