Đường dây nóng hỗ trợ mua sách trước ngày khai trường

Để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thiết lập đường dây nóng (0344181018) duy trì từ 8 giờ - 22 giờ hàng ngày, kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ.

Năm học mới đã cận kề; tuy nhiên có không ít phụ huynh vẫn lo lắng khi chưa tìm mua đủ một số đầu sách giáo khoa cho con. Đáng nói, tình trạng thiếu sách cục bộ không chỉ xảy ra ở vùng cao, nông thôn mà còn diễn ra tại thành phố lớn.

Trước thực tế phụ huynh gặp khó khăn khi mua một số đầu sách giáo khoa của Chương trình GDPT mới, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới đến nay đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản.

sach-1662175180.jpg
Ảnh minh họa

Các Nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký...

Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với nhà xuất bản trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.

Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc vào lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, địa phương cụ thể.

Lường trước thực tế này, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Đặc biệt, để hỗ trợ phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thiết lập đường dây nóng (0344181018) duy trì từ 8 giờ - 22 giờ hàng ngày từ 15/6 đến 15/9, kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ. Như vậy, phụ huynh khi khó khăn trong việc mua sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có thể gọi tới đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, các trường cần phát huy tinh thần hỗ trợ, tránh để gia đình, học sinh sát năm học vẫn rốt ráo tìm mua sách.

Về phía phụ huynh, có thể đề nghị nhà trường hỗ trợ, mua theo tập thể để đảm bảo không phải tìm kiếm, mua gom…

Lường trước tình huống sách không kịp về mà kế hoạch dạy học không thể tạm dừng để chờ đợi, hiện nhiều nhà trường đang khuyến khích các giáo viên xây dựng giáo án điện tử để dù phải học chay chưa có sách, học sinh cũng có thể theo kịp chương trình.

Mai An