Du lịch Việt Nam nhanh chóng ‘tan băng’, sẵn sàng bứt tốc mạnh mẽ

Từng bị “đứng hình” trong đại dịch, sau khi mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam nhanh chóng gặt hái kết quả khả quan, sẵn sàng thế và lực cho giai đoạn mới tăng trưởng mạnh mẽ. Mức độ cải thiện chỉ số năng lực phát triển ngành du lịch Việt Nam năm 2021 thuộc top 3 tốt nhất thế giới.
capture-1659748272.JPG
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới. Trong ảnh: Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao.

Thành tích ấn tượng

Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch ghi nhận tăng trưởng đáng kể, mức đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng dần qua các năm, cụ thể: 6,3% (năm 2015); 6,9% (năm 2016); 7,9% (năm 2017); 8,3% (năm 2018) và 9,2% (năm 2019).

Kết quả này đã khẳng định du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, đại dịch xảy ra (2020-2021), ngành công nghiệp không khói của Việt Nam gặp khó khăn chồng chất, rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh, thần tốc với các chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế.

Cùng với đó, sau thời điểm chính thức mở cửa hậu Covid-19 (15/3/2022), ngành “kinh tế xanh” ghi nhận kết quả tích cực, bước đầu phục hồi và phát triển ấn tượng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 954.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng tháng trong 7 tháng qua đạt 62%/tháng.

Nửa đầu năm 2022, cơ quan trên đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021), cấp đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng…

Như vậy, triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng “sáng cửa” hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao. Mở cửa trở lại du lịch cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho không ít người lao động.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50-75%.

Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm).

Xu hướng tương tự diễn ra đối với lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam. Đến đầu tháng 7/2022, lượng tìm kiếm đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022.

Tháng trước, tạp chí du lịch uy tín Travel+Leisure (Mỹ) đã bình chọn Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí có mặt trong danh sách 10 thành phố tốt nhất Đông Nam Á; hai đảo Phú Quốc và Côn Đảo của Việt Nam cũng góp mặt ở hạng mục 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á.

Đặc biệt, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Sẵn sàng bứt tốc

Mặc dù bước đầu đạt được kết quả phục hồi đáng ghi nhận, nhưng trước mắt, ngành du lịch cũng gặp không ít thách thức.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà ngành này đang gặp phải, như về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, ngành hàng không đang có dấu hiệu quá tải.

Đặc biệt, việc lượng lớn người lao động trong ngành nghỉ/bỏ việc trong thời gian đại dịch đã dẫn tới sự thiếu hụt tương đối về nguồn nhân lực, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách.

Do đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Tổng cục Du lịch trong 6 tháng cuối năm tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị Toàn quốc về du lịch (dự kiến diễn ra đầu năm 2023) và nhấn mạnh cần đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành.

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...

Được biết, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Việt Nam đã lên kế hoạch tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế như: Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản (22-25/9); Hội chợ Du lịch thế giới WTM tại Anh (7-9/11); các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại thị trường trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ, Australia...).

video-clip-viet-nam-di-de-yeu-wonders-of-vietnam-hinh-anh-mot-viet-nam-toa-sang-1-1659748272.jpg
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Cố đô Huế - một địa danh du lịch nổi tiếng.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ được giới thiệu tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE tại TP. Hồ Chí Minh (8-10/9); chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mekong (MTF) tại Hội An, Quảng Nam (9-14/10).

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13-14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%; tạo ra khoảng 5,5-6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm.

Ngành công nghiệp không khói phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm.

Nhằm hiện thực hóa chiến lược này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách, sẵn sàng thế và lực cho giai đoạn bứt tốc.