Doanh nghiệp chuyển đổi xanh muốn nhanh nhưng gặp nhiều thách thức

Hiện nay, các doanh nghiệp phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu các cơ chế về tín dụng xanh. Trong đó, việc khó tiếp cận các nguồn lực tài chính cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-02-1714527268.jpg
Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. (Ảnh minh họa)

Thách thức trong phát triển kinh tế xanh

Năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 76/160 toàn cầu và đứng thứ ba ở khu vực ASEAN về phát triển kinh tế xanh, theo xếp hạng đánh giá kinh tế xanh (Global Green Economy Index- GGEI). Năm 2020, kinh tế xanh ở Việt Nam đã tạo ra 6,7 tỷ USD, chiếm 2% GDP. Trong đó, 41% từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ hoạt động giao thông, xây dựng, xử lý rác thải.

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-03-1714527250.jpg
Nhiều doanh nghiệp còn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh để chuyển đổi tăng trưởng bền vững. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Nếu không giải quyết kịp thời, tới đây những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Tại Diễn đàn phát triển kinh tế xanh mới đây, nhiều chuyên gia đã nhận định, hiện nay, các doanh nghiệp phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu các cơ chế về tín dụng xanh. Trong đó, việc khó tiếp cận các nguồn lực tài chính cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp khó về chính sách và vốn để chuyển đổi xanh

Dẫn chứng về lĩnh vực giao thông, xây dựng và rác thải trong nền kinh tế xanh, TS Nguyễn Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù xây dựng xanh là lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn và là yếu tố mang tính quyết định đối với sự phát triển đô thị xanh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai, từ khâu lập quy hoạch, thiết kế và triển khai xây dựng xanh vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

"Hiện nay tiêu chuẩn về đô thị xanh đã xuất hiện trong các nghiên cứu, bài viết nhưng về tiêu chí, tiêu chuẩn chưa xuất hiện trong quy định trong văn bản pháp luật. Tiêu chí xanh không cứng phù hợp với sự phát triển của mỗi đô thị khác nhau, nhưng dù gì cũng phải có.

Về kinh phí lập quy hoạch thì thực tế hiện nay chưa có những quy định khác biệt giữa lập quy hoạch đô thị xanh và quy hoạch đô thị thông thường. Việc ứng dụng vật liệu xanh vật liệu tuần hoàn trong thực tế cũng gặp nhiều khó khăn", TS Nguyễn Hồng Hạnh cho biết.

TS Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên & môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế tuần hoàn, bởi họ là chủ thể tích cực quyết định việc chuyển đổi công nghệ, máy móc thiết bị theo hướng phát triển xanh. Tuy nhiên, quá trình này chưa đạt được kỳ vọng, có thể là do một số nguyên nhân từ vốn và chính sách:

"Hiện nay quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt, có thể là do nhận thức của các doanh nghiệp và họ gặp những khó khăn về đầu tư nguồn vốn để thay đổi trang thiết bị thay đổi quy trình di dời là thay đổi lối sống thay đổi cách sản xuất. Nhà nước phải có chính sách chính sách ấy để khuyến khích người ta về mặt vay vốn với lãi suất ưu đãi chính sách ấy là về vấn đề về cho thuê đất, giá đất".

doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-01-1714527333.jpg
Để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh cần có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện nay đang có sự “phân tầng” nhận thức của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế tuần hoàn.

Khu vực các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận thức rất rõ về vấn đề này và đã bắt đầu tham gia thực hiện những hành động nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, trong khi một số nhóm doanh nghiệp khác lại chưa thực sự quan tâm đến phát triển theo xu hướng xanh.

Mặc dù, tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng quy mô còn nhỏ, tín dụng xanh hiện mới chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ… Theo ông Nam, việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp còn khó tiếp cận nguồn vốn này:

"Hiện nay thì các tổ chức tín dụng của Việt Nam thì cũng đã có những gói để hỗ trợ cho lĩnh vực này. Nhiều ngân hàng đã dành ra những khoản kinh phí hàng chục nghìn tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế xanh nhưng khả năng mà doanh nghiệp tiếp cận được còn khó khăn. Các doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, nếu nguồn vốn ngắn hạn họ không thể làm được".

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Tuy nhiên, để có thể khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực tham gia phát triển xanh, Chính phủ và các địa phương cần tháo gỡ những nút thắt về vốn, tín dụng và có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp./.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 621 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.

Trọng Bình