ĐHCĐ bất thường Eximbank: Cổ đông yêu cầu cập nhật báo cáo NHNN việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị

Theo báo cáo của Ban kiểm soát EIB gửi NHNN, thủ tục mời họp và thay đổi nhân sự Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 28/6/2023 là phù hợp theo quy định.
eib-9589-1695031971.jpg
​ Đại hội bất thường EIB tổ chức sáng 18/9 .

Sáng 18/9, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã EIB) tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm bổ sung thành viên Hội đồng quản trị thay thế ông Nguyễn Hiếu và Nguyễn Thanh Hùng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Tham dự đại hội có hơn 200 cổ đông, đại diện cho hơn 1 tỷ cổ phần, chiếm 71,28% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước thềm đại hội, danh sách nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT EIB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận gồm ông Trần Tấn Lộc, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Võ Văn Dũng.

Ông Trần Tấn Lộc đang là Tổng giám đốc Eximbank, ông có thời gian công tác tại ngân hàng này từ năm 1990 đến nay. Ông Lộc từng phụ trách nhiều vị trí như thư ký HĐQT kiêm Phó chánh văn phòng HĐQT, phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng…

Ông Nguyễn Cảnh Anh đang là Tổng giám đốc CTCP Amya Holdings. Trước đó, vị này từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại các công ty như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup...

Diễn biến bất ngờ tại đại hội, ông Võ Văn Dũng xin rút khỏi danh sách ứng cử. Theo đó, danh sách bầu bổ sung thành viên HĐQT chỉ còn ông Trần Tấn Lộc và ông Nguyễn Cảnh Anh.

Kết thúc đại hội, hai nhân sự trên được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) của Eximbank gồm ông Trần Tấn Lộc, tỷ lệ 88,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; ông Nguyễn Cảnh Anh, tỷ lệ 88,7%.

Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ VII của Eximbank đã đủ 7 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Đỗ Hà Phương và các thành viên bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng, ông Trần Anh Thắng và 2 thành viên mới được bầu bổ sung là ông Trần Tấn Lộc và ông Nguyễn Cảnh Anh.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 2/2023, EIB báo lãi ròng chỉ đạt 422 tỷ đồng, giảm 52% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần 2.331 tỷ đồng và lãi ròng 1.118 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và giảm 26% so với nửa đầu năm 2022.

Trong năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ, tăng 35% so với năm 2022. Sau 6 tháng, ngân hàng mới chỉ hoàn thành khoảng 28% kế hoạch lãi cả năm.

Tình hình hoạt động kinh doanh cũng được cổ đông chất vấn lãnh đạo tại đại hội, trong đó cổ đông đặt câu hỏi về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra, liệu có kế hoạch thay đổi hay không.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng đã được thông qua từ đầu năm, sau quý 2 đã thực hiện hơn 28%, mức độ hoàn thành trong 6 tháng qua chưa như mong muốn của ngân hàng. Trong 6 tháng qua, tình hình kinh tế khó khăn, tín dụng chững lại.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo EIB, trong 6 tháng tới, Chính phủ có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế, kỳ vọng Eximbank có thể đạt được mục tiêu 5.000 tỷ đồng, không có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Chia sẻ kế hoạch sau khi bầu bổ sung thành viên HĐQT, bà Đỗ Hà Phương cho biết, Eximbank đang đặt ra tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới là trở lại Top 10 Ngân hàng TMCP hàng đầu, cung cấp dịch vụ vượt trội trên nền tảng số ưu việt, trở thành ưu tiên lựa chọn cho mọi nhu cầu tài chính của mọi khách hàng. Theo đó, Eximbank sẽ tái cấu trúc trên toàn hệ thống, an toàn, minh bạch, vì mục đích chung duy nhất lợi ích cho các cổ đông.

Trả lời cổ đông về việc báo cáo cơ quan thanh tra giám sát NHNN liên quan biến động Chủ tịch HĐQT, lãnh đạo EIB cho biết, ngày 03/7, Ban kiểm soát đã có văn bản phản hồi NHNN. Theo đó, căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Luật TCTD 2010, qua rà soát trên nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực, thủ tục mời họp và thay đổi nhân sự Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 28/6/2023 là phù hợp theo quy định.

Ngoài ra, ngày 28 và 30/6/2023, Eximbank đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định trình tự họp tuân thủ quy định pháp luật và Điều lệ Eximbank.

Huyền Châm