Đề xuất 3 định hướng đột phá đưa ASEAN trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu

Bày tỏ niềm tin vào tiềm năng, thế mạnh của ASEAN; sự quyết tâm, đồng lòng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ của các đối tác khu vực, quốc tế về một Cộng đồng ASEAN số hóa trong tương lai không xa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số" diễn ra vào ngày 23/4.

toa-dam-chuyen-doi-so-01-1713877938.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác. (Ảnh: VGP)

Chuyển đổi số là một động lực then chốt để phát triển kinh tế bao trùm và bền vững

Tại tọa đàm, lãnh đạo các doanh nghiệp ASEAN, lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác thảo luận sôi nổi về cơ hội, thách thức trong hợp tác kinh tế số của ASEAN; giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và đối tác trong phát triển kinh tế số; khuyến nghị hình thành hệ sinh thái kinh tế số ASEAN; yêu cầu đặt ra trong phát triển thương mại điện tử ở ASEAN hiện nay; thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn ở khu vực ASEAN.

Cùng với đó các đại biểu cũng thảo luận về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị doanh nghiệp và đề xuất hợp tác với các nước ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin; hợp tác xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết, xây dựng, sát thực tiễn, thể hiện rõ sự quan tâm, mong muốn của đại biểu về thúc đẩy tương lai kinh tế số của ASEAN.

Cho rằng, trong thế giới ngày nay, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, là một động lực tăng trưởng mới cho phát triển nhanh, bền vững, vì tương lai thịnh vượng của ASEAN, khu vực và toàn cầu, với Kế hoạch tổng thể số ASEAN 2025, ASEAN đã thống nhất cách tiếp cận tổng thể, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - coi đây là một động lực then chốt để phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.

toa-dam-chuyen-doi-so-02-1713877985.jpg
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.(Ảnh: VGP)

Theo Thủ tướng, sự phát triển kinh tế số của ASEAN được thúc đẩy bởi các yếu tố thuận lợi: Vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng; thị trường tiêu dùng lớn, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh; mạng lưới liên kết, hợp tác kinh tế rộng rãi; hệ sinh thái kinh tế số ASEAN đang phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một định hướng phát triển chiến lược đến năm 2030; với quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng của chuyển đổi số.

Qua đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chuyển đổi số như tốc độ tăng trưởng kinh tế số đạt bình quân 20%/năm; hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 80% người dân sử dụng dịch vụ Internet.

Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác, đồng hành và hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế số, gồm phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số; hỗ trợ Việt Nam về về tài chính, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và phát triển hạ tầng.

toa-dam-chuyen-doi-so-03-1713878044.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm: “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số". (Ảnh: VGP)

3 định hướng đột phá trong chuyển đổi số của ASEAN

Bày tỏ niềm tin vào tiềm năng, thế mạnh của ASEAN; sự quyết tâm, đồng lòng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ của các đối tác khu vực, quốc tế về một Cộng đồng ASEAN số hóa trong tương lai không xa, Thủ tướng đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Trong đó, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” bảo đảm minh bạch, an toàn, bao trùm, bền vững, để mọi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng đều tham gia và thụ hưởng thành quả; thúc đẩy mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ của ASEAN trong chuyển đổi số, trên cơ sở các yếu tố đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng nước, khẩn trương hoàn tất Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế số của ASEAN; thực hiện theo lộ trình và có bước đi đồng bộ, phù hợp với năng lực của từng quốc gia; đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề chung, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến toàn dân như sức ép chuyển dịch cơ cấu lao động, an ninh mạng, tội phạm mạng, mặt trái của trí tuệ nhân tạo…; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình số hóa.

toa-dam-chuyen-doi-so-04-1713877916.jpg
Sự phát triển kinh tế số của ASEAN được thúc đẩy bởi các yếu tố thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các nước, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác về chuyển đổi số để góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ số hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực để tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Các bên thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực số để ASEAN và Việt Nam tham gia sâu hơn vào các khuôn khổ, cơ chế, các chuỗi cung ứng về chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới; chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định chung về chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu; tăng cường hợp tác nâng cao năng lực quản trị số, bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và an toàn dữ liệu.

Cho rằng chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà còn là sự thay đổi sâu sắc mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, Thủ tướng tin tưởng, cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các nước đối tác sẽ nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực gắn kết, tự lực, tự cường, tự chủ, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm của từng quốc gia thành viên ASEAN, khu vực và thế giới./.

Doanh thu kinh tế số năm 2023 của ASEAN ước đạt 100 tỷ USD, tăng 8 lần so với năm 2016; dự báo đạt trên 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025, nhiều khả năng là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới.

Bình Châu