Đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu KT-XH là nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Ngày 22/10, thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đa số các đại biểu cho rằng kết quả kinh tế - xã hội (KT-XH) cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều này rất đáng trân trọng và đây là động lực tích cực cho mục tiêu kế hoạch 5 năm.
z38197435329897094a1dc5e79e2c8a69c9b929243a7e1-1666424382218274131562-1666436667.jpg
Các đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Ninh Bình thảo luận tại tổ ngày 22/10 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhiều chỉ tiêu KT-XH vượt và tăng so với kế hoạch ban đầu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) khẳng định, với sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo của Chính phủ cho thấy rất nhiều chỉ tiêu vượt và tăng so với kế hoạch ban đầu, thể hiện rất rõ trong các chỉ tiêu, hệ số như: Thu ngân sách; tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động… Những con số này cho thấy sự điều hành hết sức tích cực, rất rõ ràng và quyết liệt của Chính phủ, thể hiện rất rõ trong đời sống KT-XH đất nước.

Đồng tình với mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu thêm một số chỉ tiêu chủ yếu. Đơn cử, về tỉ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP, đại biểu cho rằng, chỉ tiêu này đề ra cho năm 2023 không tăng so với năm 2022. Năm 2022 ước đạt là 25,7- 25,8% nhưng dự kiến năm 2023 mục tiêu vẫn đạt là 25,4 - 25,8%. Việc tỉ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo không tăng như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào tới tốc độ tăng năng suất lao động, vì mục tiêu đặt ra là 5 - 6%.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị, chỉ tiêu về tăng năng suất lao động xã hội bình quân năm 2023 nên phấn đấu đạt 5,5 - 6%, bởi lẽ năm 2022 đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân là 5,5% nhưng thực tế bây giờ mới ước đạt được 4,7 - 5,2%.

Đồng tình với 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đề ra, song đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, báo cáo cần đề cập tới việc hoàn thiện các hệ thống quy hoạch để làm cơ sở cho việc thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh và đề nghị nghiên cứu bổ sung về phần này.

Về các chỉ tiêu KT-XH, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm chỉ tiêu về giảm mức tiêu hao năng lượng để tạo ra một đồng GDP. Đây là chỉ tiêu rất quan trọng, phản ánh kết quả của đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, bổ sung chỉ tiêu về phát triển dân số đô thị, tức là tỉ lệ phần trăm dân số đô thị trong chỉ tiêu về văn hóa - xã hội.

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, hiện đang vướng ở cơ chế điều phối từ Trung ương đến cơ sở. Ngoài Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi chương trình mục tiêu quốc gia lại có Ban Chỉ đạo riêng, mỗi chương trình lại một bộ chủ quản, Bộ trưởng giữ vai trò Tổ trưởng tổ công tác.

Mục tiêu hướng đến của ba chương trình đều là tập trung cho vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng khó khăn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, thông tin phản ánh nhiều nơi cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, hoặc ban hành văn bản hướng dẫn không đúng gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, khiến người dân phải "ngồi chờ" chính sách.

Mặt khác, việc thực hiện chuyển tiếp hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sang giai đoạn 2021 - 2025 cũng chậm. Chính phủ cần xem xét lại cách điều phối, kết hợp lồng ghép 3 chương trình theo hướng linh hoạt, khoa học, để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm đi vào cuộc sống.

Hơn 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc

Liên quan đến vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh, đó là tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và thôi việc là 39.552 người, chiếm tỉ lệ 1,94%, trong đó viên chức chiếm tỉ lệ đa số, còn công chức chỉ chiếm 1,63 %. Tổng số công chức là hơn 4.000 người, chiếm 1,98%; còn viên chức là 35.523 người.

Về việc thực hiện giải ngân theo Nghị quyết 43 còn chậm, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng cần đánh giá lại khâu tổ chức thực hiện. Chính sách Nhà nước rất nhanh chóng nhưng trong thực tế - doanh nghiệp và người dân tiếp cận các nguồn vốn, các gói hỗ trợ còn khó khăn. Giải quyết được các điểm nghẽn này, đây sẽ là động lực rất lớn của quý IV và tạo tiền đề rất cao cho thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022.

nguyen-thanh-phupng-can-tho-y4a2834-1666424417469440244150-1666436716.jpg
GS. Nguyễn Thanh Phương: Đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long thành cực tăng trưởng mới của khu vực phía nam - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ lo lắng tình trạng nghỉ việc ngày càng nhiều của viên chức giáo dục, y tế. Do đó, có giải pháp về cơ chế, tiền lương để giữ chân đội ngũ cán bộ này tiếp tục phục vụ trong khu vực công.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên có giải pháp lâu dài đối với phát triển ngành nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường, nhất là thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. "Ngay như trường đại học Cần Thơ của chúng tôi, số sinh viên theo học ngành này ngày càng giảm dần trong khi chúng ta đang từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với ngành nông nghiệp", Đại biểu Phương cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng thiết tha đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long thành cực tăng trưởng mới của khu vực phía nam. Xây dựng đường ven biển để tái cấu trúc lại dân cư trong khu vực này để phát triển đều hơn.