"Bức tranh" toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm

Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. GDP tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, bội thu ngân sách, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD... là những điểm nhấn của nền kinh tế 9 tháng đầu năm.

Khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - bà Nguyễn Thị Hương cho biết, trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

"Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Những điểm nhấn của nền kinh tế 9 tháng đầu năm

ncapture-gso-gov-vn-du-lieu-va-so-lieu-thong-ke-2022-09-infographic-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2022-2022-09-29-094904-1664420023412869580723-1-1664434065.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ngân sách nhà nước bội thu hơn 240.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 94.800 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 1,327 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 132.700 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, tổng chi ngân sách ước đạt 1,086 triệu tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau 9 tháng, ngân sách nhà nước bội thu hơn 240.000 tỷ đồng.

Ngoài ra theo thống kê, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đầu năm ước đạt 558,52 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).

163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động

Dấu hiệu rõ nhất cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế là theo thống kê 9 tháng đầu năm có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có đến hơn 600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại, 9 tháng đầu năm, cả nước có 112.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý IV/2022, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

“Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%”, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Thi Nguyên (t/h)