Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp - “Ông đúc kết”

Tôi gặp ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lần nào cũng vậy, đó là một người rất gần gũi, sôi nổi và đặc biệt là hay đúc kết.
270371608-3139143409746972-8879815955310844095-n-1642318184.jpg
Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp

Hình như cái gì ông Hợp cũng có thể đúc kết, từ cuộc sống, công việc, đến quan hệ bạn bè, thậm chí chọn vợ, dạy con,… Quyển sách mới xuất bản mà ông tặng chúng tôi cũng là: “Lê Doãn Hợp - 100 điều đúc rút từ thực tiễn”. Nhiều người gọi vị nguyên Bộ trưởng này là “Ông đúc kết”… DNKTX xin trân trọng giới thiệu;

Phần I : Thời hoa lửa

Gần Tết rồi nhưng ông vẫn rất bận. Bận đi bàn giao nhà tình nghĩa, viết sách, giảng bài, dự tọa đàm và hội thảo… Mở đầu câu chuyện, ông nói về kỷ niệm thời quân ngũ và cũng là những đúc kết: “Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng tự hào nói rằng thế hệ những người lính chống Mỹ là thế hệ “vàng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong những năm ở chiến trường, người mà ông được ảnh hưởng nhiều nhất là ông Nguyễn Lở, Phó trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 5. Năm 1969, khi mới 19 tuổi, chiến sĩ trẻ Lê Doãn Hợp về đầu quân làm cán bộ tuyên huấn dưới quyền ông Lở. Trong con mắt của ông Hợp thì đây là một vị Phó trưởng ban rất đặc biệt. Ông nhớ mãi câu ông Nguyễn Lở thường nhắc nhở chiến sĩ trẻ: “Thanh niên các cậu mà 9 giờ đi ngủ là chết rồi chưa chôn, khi trẻ mà các cậu không động não thì gặp việc khó sẽ nản chí và về già lão hóa rất nhanh”.

Ông Lở bắt cán bộ trẻ của ban phải định nghĩa tất cả những gì có xung quanh mình với yêu cầu là phải ngắn gọn và đúng nhất. Định nghĩa thế nào là bộ đội, dân quân, du kích, thế nào là ngụy quân, ngụy quyền, là cây, là rừng…, định nghĩa cả vật dụng của người lính từ súng ống, ba lô, quần áo đến cốc, đĩa, chén… Cứ dừng công việc là… định nghĩa. Ông Lở bảo: Định nghĩa để tiếp cận gần nhất, đúng nhất về bản chất của sự vật, hiện tượng để khi cần đề cập sẽ đúng bản chất mà lại không dài dòng.

Hình ảnh mà ông Hợp không thể nào quên là mỗi lần Phó Trưởng ban Nguyễn Lở tuổi đã ngoài 40 lên Miền về là mang một ba lô đầy ắp sách. Ông chia sách cho mọi người trong ban đọc và yêu cầu: Đọc xong một quyển là phải viết thu hoạch và độ dài 100 trang sách được viết thu hoạch khái quát bằng 1 trang. Nội dung thu hoạch phải nêu được tác giả, giá trị tác phẩm, tính cách, ưu điểm và hạn chế của nhân vật, ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách…

Ông Hợp kể: “Ở với ông Nguyễn Lở, luôn căng thẳng suốt ngày, đến mức khi ông ấy đi công tác, cánh lính trẻ reo lên sung sướng vì được nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng từ ngày ông Lở được cấp trên điều lên Tuyên huấn Miền, chúng tôi mới thấy giá trị những năm tháng được sống gần ông. Ba năm công tác bên ông, được học hỏi, mở mang bằng 10 năm, 15 năm ở với người khác. Những gì sau này tôi tư duy, rồi viết, nói, ngắn gọn và như nhiều người nhận xét hay đúc kết là nhờ ảnh hưởng từ những ngày sống với Thủ trưởng Nguyễn Lở và nhiều cán bộ tài hoa của Ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 thời chống Mỹ”.

Một kỷ niệm nữa mà như ông Hợp nói “liên quan đến nghề của chúng ta đấy”, là trong trận đánh trên Đường 20 Quyết thắng, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Lâm, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 lập công xuất sắc, bắn cháy 5 xe tăng, xe bọc thép của địch. Là phóng viên tờ tin Quyết Thắng của sư đoàn, Lê Doãn Hợp được giao viết về tấm gương này. Với tên bài “Một trận đánh hay”, nội dung bài viết dùng nhiều mỹ từ để ngợi ca. Đọc bản thảo, Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Xuân Hòa phê bình: Bắn cháy 5 xe, cậu viết là trận đánh hay, tới đây bộ đội bắn 7, 8 xe hoặc nhiều hơn nữa thì cậu dùng từ gì? Theo tớ, cậu hãy dùng những từ bình dị nhất để nói về người anh hùng, đừng hoa mỹ, khoa trương sẽ làm cho người anh hùng xa rời cuộc sống và thực tế.

Những cụm từ dạng như: Vẻ vang, rực rỡ, sáng ngời, vô cùng… không nên dùng trong những bài viết về người thật, việc thật. Lời phê bình của Chính ủy làm ông Hợp nhớ tới tâm sự của chiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, khi ông gặp để phỏng vấn. Lâm bộc bạch chân tình: Anh viết gì thì viết nhưng đừng để em mất đồng đội, vì thành tích này là của cả tập thể. Nếu có công thì em chỉ có mỗi công là đưa viên đạn đến đúng mục tiêu. Còn mọi công lao khác là của đồng đội, đó là công của người tiếp đạn, người chia lửa, người đưa cơm… Tâm sự của chiến sĩ Lâm và lời góp ý của Chính ủy Hòa làm phóng viên trẻ Lê Doãn Hợp càng ngẫm càng thấm thía. Sau này, khi làm công tác quản lý báo chí, ông vẫn thường nhắc nhớ lại câu chuyện cảm động này.

271472601-3139143479746965-5887386801326229498-n-1642318394.jpg
Chiến sĩ trẻ Lê Doãn Hợp (đứng thứ hai, từ phải qua) cùng cán bộ, nhân viên Đội Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Sư đoàn 5, mùa mưa năm 1971. Ảnh chụp lại

Những năm lăn lộn chiến đấu, công tác ở chiến trường, không ít lần chiến sĩ Lê Doãn Hợp bị… chết hụt. Đó là lần quả bom rơi ngay trước mặt, ông ngã xuống và ngỡ mình chết chắc. Một lúc không thấy gì, ông tự véo vào đùi và thấy đau mới biết mình còn sống, liền vùng dậy chạy. Sau này nghĩ lại mới biết đó là một quả bom nổ chậm. Lần khác, vào đúng phiên làm anh nuôi, ông được giao chiếc bật lửa để nấu ăn cho tiểu đội. Hôm sau, ông đi đầu đội hình hành quân. Đến một đoạn đường, có chiến sĩ hỏi mượn bật lửa để hút thuốc, ông dừng lại để hai đồng đội đi sau vượt lên. Được chừng hơn 20m thì hai đồng đội vướng mìn và hy sinh. Lần nữa, khi đơn vị đang cơ động thì bị B-52 đánh đúng đội hình làm 26 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng Lê Doãn Hợp thời điểm ấy vừa đến khe suối cạn, đã nhảy vào hốc cây to cạnh đó nên thoát chết…

Kể lại những chuyện này, ông Hợp bảo rằng, mình là người may mắn và chắc rằng hương hồn của đồng đội cũng phù hộ cho mình nhiều lắm. Sau này, trải qua nhiều cương vị công tác, làm đến Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, rồi Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng nhưng những ngày trong quân ngũ vẫn là quãng thời gian có ý nghĩa nhất của cuộc đời ông. Nhớ đến đồng đội, nhớ đến một thời hoa lửa, ông đều răn mình phải sống và cống hiến đúng với tinh thần, ý chí người lính, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ và sự hy sinh của bao đồng đội. Bây giờ, hằng năm mỗi dịp 30-4, 27-7, ông đều làm giỗ cho đồng đội đã hy sinh. Từ ngày về hưu, ông và Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 đã làm được 40 nhà tình nghĩa tặng các gia đình đồng đội đã hy sinh, đồng đội có con bị di chứng chất độc da cam….

Phần II : “Ông đúc kết” Làm thơ

Thật bất ngờ khi ông Lê Doãn Hợp tặng chúng tôi tập thơ “Tháng năm còn mãi”. Trong cuộc trò chuyện, ông cũng đọc thơ, bình thơ.

Bên cạnh một chính khách “hay cho chữ” với những đúc kết ngắn gọn, cô đọng là một tâm hồn thơ cũng rất tinh tế và lãng mạn. Ông làm thơ từ những ngày trong quân ngũ và đến bây giờ, thơ về quê hương, gia đình, cha mẹ, con cháu, công việc và cả thơ tình nữa. Ông kể, Tết Kỷ Dậu 1969, năm đầu tiên xa gia đình, đón Xuân cùng đồng đội ở Chiến khu Đ Biên Hòa, tâm hồn người chiến sĩ 19 tuổi rung động, khắc khoải nhớ về những cái Tết miền Bắc: “Xuân về gieo lộc biếc/Xuân đến rắc mưa bay/Lên hoa đào năm ngoái/Hoa đào cười say say/Xuân ơi! Em đến trong này/Sao không mang chút mưa bay cho tình”. Ông cũng rất tâm đắc bài thơ ông viết ở kênh Bùi Đứng khi chiến đấu ở Đồng Tháp Mười trong mùa mưa 1972: “Anh về Đồng Tháp quê em/Mênh mông biển nước, bầu sen che người/Cây tràm rắn quấn trong ngoài/Chuột ngồi ụ mối, ngắm trời, nhìn sao/Ngày ngâm nước, tối bờ ao/Trực thăng, tàu chiến, gầm gào ngày đêm/Ăn tối pháo sáng thay đèn/Bữa cơm ngồi bệt, ngắm sen khoe mình/Trăng nằm đáy nước lung linh/ Đất trời, lính trẻ, trữ tình nước non”.

Tham gia chiến trận, gian khổ là thế nhưng người lính Lê Doãn Hợp vẫn viết nhiều bài thơ tình “vừa đủ để yêu thương”: "Có một chút lãng mạn/Để mà nhớ mà mong/Có đôi điều bí mật/Để giấu kín trong lòng/Làm sao ta hiểu nổi/Góc tâm hồn mênh mông”. Và, có cả những bóng hồng trong tình yêu của người lính trẻ: "Sáu câu vọng cổ làm quà/Hương sen trộn lẫn lời ca mủi lòng… Biển thiếu em biển sẽ buồn không sóng/Biển có em biển xôn xao sống động… Mắt ai nuốt bóng hình ai/ Để cho nỗi nhớ kéo dài vô biên…”.

ong-le-doan-hop-1530794470473441119803-15724906958551006075664-1642318543.jpg
TS Lê Doãn Hợp được vinh danh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2019 - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Trong “Tháng năm còn mãi”, Lê Doãn Hợp viết nhiều bài dành cho bố mẹ, vợ con. Ông tâm sự: “Qua nhiều cương vị công tác, dù có bận rộn, khó khăn, gian khổ đến đâu, trong chiến tranh cũng như trong thời bình, khi ở gần, cũng như lúc đi xa, làm lính, làm nhân viên hay lãnh đạo, tôi luôn dành thời gian, công sức để chăm lo cho tổ ấm gia đình”. Trong thơ, ông nghĩ về vợ: “Nghĩ về em như con tằm nhả tơ/Dệt hạnh phúc bốn mùa không mỏi”. Ông dặn con: “Con nhớ chăm về quê/Để động viên ông bà, con nhé… Thời gian ông bà còn ngắn/ Nên tình yêu dồn nén bao la… Thế giới có thể đổi thay/Đạo lý nhà ta vẫn vậy/Thương ông làm gương hậu thế/Quý cháu tạo mẫu cho đời…”.

Hơn 2 giờ chuyện đời, chuyện nghề, thi ca với “Ông đúc kết” mà dường như vẫn còn “thòm thèm”. Lúc chia tay, tôi hỏi thêm ông rằng, rời bỏ chính trường, rời bỏ quyền lực trở về với gia đình, ông cảm thấy thế nào? Ông cười vui và nói ngay: “Có gì đâu, quyền lực như chiếc áo khoác, cởi ra rồi ta càng được sống thực với mình nhiều hơn. Bây giờ mình sống theo phương châm: 3 quên, 2 nhớ, 1 có. Đó là: Quên bệnh tật, quên tuổi tác, quên bức xúc; nhớ những người có công giúp mình, nhớ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, đồng bào chí cốt với mình; tiếp tục sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”./.