Cố nhạc sĩ Hồng Đăng - người cả đời "lênh đênh"

Ngày 14/5, tại Hà Nội, diễn ra đêm nhạc “ Mạch nguồn ví dặm” trong đó tri ân cố nhạc sĩ Hồng Đăng, nguyên Phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam nhiều khóa và những tác phẩm bất hủ mà ông từng sáng tác.

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã rời xa cõi tạm được 2 năm (1936- 2022), lúc ông còn, tôi may mắn được gắn bó với ông 20 năm có lẻ. Ông từng trải lòng tâm sự với tôi nhiều điều về chuyện đời, chuyện nghề. Nhớ có lần ông nói: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc"; "Mỗi người đều có thăng trầm, đau khổ nhưng người nghệ sĩ càng đau khổ hơn vì không chỉ chịu số phận của mình mà còn đau khổ và thương lo cho nhiều số phận khác. Cái anh nghệ sĩ nó thế. Ông Nguyễn Du còn thương cho cả vong hồn của thập loại chúng sinh. Nhưng hạnh phúc có được cũng rất lớn, như trên đã nói. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích cũng là một hạnh phúc lớn. Lại có hạnh phúc nhỏ mà có thật như hôm nay chúng ta ngồi với nhau ở đây”.

Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng luôn trân trọng niềm vui. Bất kể trong hoàn cảnh nào, ông vẫn hiền hòa vui vẻ, chắt chiu từng niềm hạnh ngộ, từng mối duyên gặp gỡ. Thế nên các sáng tác của Hồng Đăng luôn tràn đầy tình yêu đời, yêu người, dù thăng hay trầm vẫn luôn nồng nàn, đắm đuối một niềm hạnh phúc hiển hiện giữa nhân gian!

hong-dang-1-1683998527.jpg
Nhạc sĩ Hồng Đăng bên vợ (bà Lê Anh Thúy)

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng), sinh ngày 01/01/1936 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ông là cháu ruột nhà cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu. Cụ thân sinh Hồng Đăng là Phan Đình Tài, một nhà văn, nhà dịch giả uyên bác.

Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh kháng chiến Liên khu 4, ông đã có những sáng tác đầu tay “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn Cụ Hồ”, “Đời học sinh”... phục vụ kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình, trở về Hà Nội, ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), cùng lớp với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Huy Thục…

Trong thời gian này, ông có nhiều ca khúc được người nghe biết đến: “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng Năm”, “Giữa mùa sa nhân”, “Tổ quốc mười năm đã lớn”... và nhiều tác phẩm khí nhạc. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác trên 700 tác phẩm âm nhạc với nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim và sân khấu. Đặc biệt ông đã viết nhạc cho 70 bộ phim truyện Việt Nam, trong đó có các ca khúc có sức sống độc lập dù phim không ai còn nhớ nữa, như: “Hoa Sữa” (phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”); “Lênh đênh” (phim “Đời hát rong”) và “Biển hát chiều nay”…

anh-2-1683998709.jpg
Tâm sự của nhạc sĩ Hồng Đăng thủa sinh thời 

Cứ mỗi khi sang thu (không chỉ riêng tôi), ai sống xa cũng nhớ về Hà Nội, nhớ những chiếc lá vàng rơi nhẹ, rất đỗi bình yên, và trong một dịp ra Hà Nội tôi lại được ngồi với vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng (khi ông còn sống) tại quán Y-coffe (16 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm). Nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn vậy, hài hước, dí dỏm, dù phải chống nạng (vì tai nạn gãy chân mấy năm trước). Gặp ông, ai cũng nhận thấy đó là một người hiền hậu, với một tâm hồn nghệ sĩ rất đáng trọng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng vốn đa tài, ông là một trong những nhạc sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực giảng dạy, sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, viết nhạc cho phim, viết sách, làm báo…

Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, tôi đã hỏi ông: "Theo ông, phải chăng làm nghệ sĩ là phải có bản lĩnh đích thực, chấp nhận hy sinh, đớn đau, thậm chí là thua thiệt mới có được tác phẩm hay?". Đáp lời, ông nói: "Tôi bước vào con đường nghệ thuật năm 15 tuổi. “Con đường nghệ thuật” của tôi thoạt đầu không phải âm nhạc mà là kịch nghệ, làm thơ. Thời kháng chiến chống Pháp, sân khấu quần chúng rất sôi động. Tôi “quẹo” sang âm nhạc vì sự “tấm tức” thời trai trẻ. Trong trường học ở quê, có người bạn chơi guitar, tôi phục lắm, xin mượn tập nhạc lý, nhưng anh ta rất khệnh khạng, không cho mượn. Tức quá, tôi đi bộ một mạch 60km từ Yên Thành về TP. Vinh mượn được một tập tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp. Tôi miệt mài tự học từ đấy, chập chững sáng tác “Đời học sinh”, “Nhớ ơn Cụ Hồ” được chị Tân Nhân hát và bước đầu một số bạn nghe nhạc biết đến.".

Chia sẻ về bài hát “Lênh đênh”, ông kể, ông lấy cảm hứng sáng tác từ số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng suốt đời không bao giờ gặp được nhau, nên lúc nào cũng bâng khuâng như con thuyền lênh đênh trên sóng! "Bài này cũng vận vào người (Hồng Đăng cười), cứ lêu bêu suốt, may mà cuối đời gặp được bà này (ông chỉ vào chị Thúy, vợ ông ngồi bên), kể ra số còn hên".

sach2-1474-1683998801.jpg
Dù nhạc sĩ Hồng Đăng đã rời xa cõi tạm nhưng công chúng vẫn luôn nhớ tới ông. Trong ảnh, bà Lê Anh Thúy (vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng) xúc động trong buổi ra mắt cuốn sách Chân trời gọi nắng.

"Bật mí" về ca khúc “Hoa sữa” viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978), ông thổ lộ: "Viết về tình yêu Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến đề tài hoa sữa có mùi hương độc đáo, quyến rũ chỉ riêng có vào mùa Thu Hà Nội. Không ngờ rằng, sau bao năm nó vẫn “sống” trong lòng công chúng đến bây giờ. Nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này rất thành công như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Nhã Phương, Thanh Hoa, Tùng Dương... Đó cũng là khởi đầu để tôi tiếp tục sáng tác nhạc cho hơn 70 bộ phim và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Đời tôi nhiều gian truân, trắc trở, “lên bờ, xuống ruộng”.

Năm 1963, Tiệp Khắc mở cuộc thi sáng tác quốc tế ca khúc về hòa bình và hữu nghị, nhạc sĩ Hồng Đăng viết tác phẩm lấy tên là “Sóng biển lang thang”. Sau khi gửi đi dự thi, ông được mời sang dựng ca khúc đó nhưng vì một số lý do mà chuyến đi không thành. 3 tháng sau, có giấy báo tác phẩm được giải thưởng lớn (không có giải Nhất), vượt qua hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ của 30 nước.

Tôi hỏi tiếp: "Người ta bảo ông là nhạc sĩ đa tài, ngoài những trục trặc ít ai tránh khỏi, với ông cái gì được nhất khi đã ngoài 80?". Trước câu hỏi này, ông giãi bày: "Tôi thuộc thế hệ nhạc sĩ cách mạng, trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt. Nhiều người thường than thân trách phận, riêng tôi lại cám ơn số phận. Số phận cho tôi sống vào một thời thật đẹp. Cho tôi được gặp những lớp văn nghệ sĩ kháng chiến, rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Điều được nhất là tôi tự hào về một gia tài có nhiều ca khúc và các thể loại âm nhạc khác, trong đó có nhiều ca khúc được bạn nghe nhạc yêu thích. Lãi quá còn gì...".

anh-4-1683998988.jpg
Hơn 20 năm có lẻ, tác giả bài viết (bìa phải) may mắn được là "người bạn nhỏ" của nhạc sĩ Hồng Đăng

"Ngoài những ca khúc viết cho phim, ông còn là nhạc sĩ có nhiều ca khúc về biển. Có phải do sinh ra ở miền Trung, hình ảnh biển mặn mòi, bão gió, luôn “đeo bám” ông?", tôi lại hỏi. Nhạc sĩ cho biết, ông sinh ra ở một vùng quê có biển, và biển dường như đã trở thành một điều gì đó vô cùng thân thuộc và gắn bó trong đời sống và tâm hồn của ông. Với ông, biển đẹp, hiền hòa và dữ dội. Nó ẩn giấu những ký ức và khai mở những tâm hồn.

Tò mò hỏi ông về những ca khúc "Biển hát chiều nay", "Đảo xa", "Hạ Long mây trắng" - những bài hát hay về biển còn đọng lại trong trái tim người yêu âm nhạc, ông tâm sự: "Tôi từng nhận được điện thoại của nhiều khán giả gọi đến, họ nói “Biển hát chiều nay” là một bài hát xúc động. Hơn lúc nào hết, tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc được nhắc đến theo một cách riêng, tình yêu - nhìn từ biển, đảo quê hương. Những hình ảnh biển, các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác biển đảo quê hương cũng là một hình ảnh đẹp của vùng biển, vùng trời Việt Nam. Trong số hàng ngàn ca khúc của tôi, tôi chỉ viết khoảng 20 ca khúc về biển. Nhưng tôi đã viết các tác phẩm đó không chỉ xuất phát từ cảm hứng của một người nghệ sĩ, mà sâu thẳm trong tôi còn là một tình yêu lớn dành cho biển quê hương".

“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm/ Mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương…” có lẽ bạn yêu nhạc không thể quên những câu hát trong ca khúc "Biển hát chiều nay" nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng, đó là những giai điệu tha thiết tình yêu đất nước của con người Việt Nam. Tuổi thơ của nhạc sĩ Hồng Đăng gắn liền với biển. Đêm đêm, nghe tiếng biển vỗ về. Biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức của Hồng Đăng. Hơn 80 tuổi, với một cuộc đời cũng khá “lênh đênh” như biển, "chất của biển" đã ngấm sâu vào trong ông. Dù sức đã yếu, nhưng khi nói về biển, Hồng Đăng lại muốn đi ngay để được viết về biển...

Mới câu chuyện hôm nào, vậy mà ông đã đi xa được 2 năm. Mỗi lần nhớ ông, tôi đều bật những ca khúc bất hủ của ông để ngâm nga như một cách tưởng nhớ, tri ân người nhạc sĩ tài hoa, "người bạn lớn" đáng kính.../.

Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 4 và 5; Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc từ năm 1989 - 1996; được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 cho cụm tác phẩm: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”...
Tuấn Trần