Quảng cáo #128

Chuyện về ngôi mộ chung của 53 liệt sĩ dưới chân Cầu Nhe

Cầu Nhe - nơi ghi dấu sự hy sinh của 53 liệt sĩ bị bom Mỹ dội vào giữa hàng quân ngày 15/4/1968 tại xã Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đã qua nhiều lần tìm kiếm, nhưng chưa thể tìm hết thi thể của các liệt sĩ đã hy sinh. Tại đây, một ngôi mộ chung của 53 liệt sĩ và trở thành một di tích lịch sử để nhắc nhở, tưởng nhớ của bao thế hệ về sự hy sinh của của thế hệ cha, anh.
z3587482969011-8561fdff3584291940a15edc068f6d66-1731382865.jpg
Chuyện về ngôi mộ chung của các Liệt sĩ dưới chân Cầu Nhe.

Nơi ghi dấu

Hằng năm, cứ đến các ngày lễ, người dân khắp mọi miền Tổ quốc tìm về chứng tích chiến tranh Cầu Nhe (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh và đang nằm lại tại đây.

Cầu Nhe - nơi ghi dấu sự hy sinh của 53 chiến sĩ bị bom Mỹ đánh trúng vào ngày 15/4/1968, thuộc địa phận xã Vĩnh Lộc (nay là Khánh Vĩnh Yên). Thời điểm đó, cây cầu bắc qua sông Nhe là cửa ngõ quan trọng, huyết mạch giao thông nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Chính vì vậy nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch.

z6019171998592-cc7212000151226b6a817ed88007b52b-1731383828.jpg
Mố Cầu Nhe còn sót lại sau trận đánh phá của không quân Mỹ.

Theo sử sách ghi lại, khoảng 12 giờ 45 phút ngày 15/4/1968, các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3, Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, khi đến địa phận Cầu Nhe thì bị máy bay Mỹ phát hiện, dội bom. Thời điểm đó, cùng với 53 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 1019, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc Nguyễn Hộ và 16 dân quân địa phương tham gia ứng cứu đã bị bom vùi lấp ngay tại Cầu Nhe. Các anh đã ngã xuống khi tuổi đời mới đôi mươi, thanh xuân của các anh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Can Lộc.

Khi vừa dứt tiếng bom, nhân dân xã Khánh Vĩnh Yên đã xông ra chiến trường, cấp cứu chiến sĩ bị thương và tìm kiếm những người bị vùi lấp nhưng chỉ thấy được một phần trong số đó, sau đó các anh được đưa về mai táng tại nghĩa trang địa phương.

ngoi-mo-chung-cau-nhe-2-1731383522.jpg
Khu nhà bia tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ đã hi sinh tại Cầu Nhe ở xã Khánh Vĩnh Yên.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Quốc Dưỡng (85 tuổi, thương binh hạng 3), thôn Hải Triều, xã Khánh Vĩnh Yên bùi ngùi nhớ lại: Ngày máy bay Mỹ ném bom ở cầu Nhe, tôi bị thương ở nhà không thể cùng bà con ra ứng cứu các anh được. Nhưng bà con lối xóm đi tham gia cứu thương về kể lại nó khủng khiếp lắm.

Sau loạt đạn thứ nhất, đội hình hành quân tan rã, các anh bị thương, hy sinh phần nhiều, chính quyền và người dân ra ứng cứu thì lại tiếp tục đợt oanh tạc thứ hai của máy bay Mỹ nên việc ứng cứu không thể thực hiện liên tục được. Bị đánh phá ác liệt, cầu Nhe bị đánh tan, những chiến sỹ hy sinh bị vùi lấp dưới lớp bùn đất, người bị trôi theo dòng sông nên sau đó công tác tìm kiếm rất khó khăn.

Ngôi mộ tập thể

z6019171831025-b567eb3cbc03324449ab5a72eb851958-1731382894.jpg
Ngôi mộ chung của các Liệt sỹ đã hy sinh tại Cầu Nhe.

Sau này, khi làm kênh thủy lợi tại cầu Nhe, trong quá trình thi công đã tìm thấy những phần thi thể quanh khu vực cầu Nhe. Tháng 8/2003, theo nguyện vọng của gia đình các liệt sỹ, nhân dân và chính quyền địa phương xã Khánh Vĩnh Yên, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với huyện Can Lộc huy động gần 500 dân quân các xã trong huyện tiến hành đào xới, khai quật khu đất rộng 2 ha với độ sâu trên 2m để tìm kiếm hài cốt các chiến sỹ đã hy sinh. Sau 13 ngày nỗ lực tìm kiếm, 27 phần hài cốt liệt sĩ đã được quy tập đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc.

Ông Dưỡng ngậm ngùi: Đợt đó, việc tìm kiếm được tổ chức rất công phu, tỉ mẩn nhưng không thể tìm được một bộ hài cốt nào nguyên vẹn. Người thì chỉ tìm thấy một cánh tay, người lại tìm thấy một cẳng chân. Những ngôi mộ đó chỉ có một phần thi thể của các anh.

Chiến tranh lùi xa, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng đều vẫn chưa thể tìm được hết thi thể của các anh.

Hiện nay, mảnh đất phía nam cầu Nhe, trong khuôn viên khu di tích Cầu Nhe có một ngôi mộ tập thể của 53 cán bộ, chiến sĩ đơn vị Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019), Quân Khu 3; Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng.

z6019171931337-6089d9f11d0b5fca5bb53d39fc17f201-1731382935.jpg
Phần mộ của 53 Liệt sỹ thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử đã hi sinh tại Cầu Nhe.

Năm 2012, được sự ủng hộ của Hội Cựu chiến binh và Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng, Khu tưởng niệm được tôn tạo lần thứ nhất.

Năm 2017, chuẩn bị cho Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh các liệt sĩ tại Cầu Nhe, UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp hỗ trợ nâng cấp khu di tích lần thứ 2. Đến năm 2023, thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, đề xuất của huyện Can Lộc và thể theo nguyện vọng của thân nhân các gia đình liệt sĩ, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (thành phố Hải Phòng) phát tâm công đức với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng để nâng cấp nhà bia, phù điêu, nhà soạn lễ, nhà thắp hương, cổng, hàng rào, chỉnh trang khu mộ, trồng cây xanh…

Địa phương có tổ quản trang, đều đặn quét dọn trong khuôn viên khu di tích, chăm lo hương khói nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Di tích Cầu Nhe nhiều năm nay được nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong các dịp hành hương về địa chỉ đỏ, cùng với Ngã ba Đồng Lộc, nhiều đoàn đến viếng thăm và dâng hương tại đây.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: Sau khi tìm kiếm và quy tập được một số hài cốt các liệt sĩ, năm 2004, UBND huyện đã tổ chức xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Cầu Nhe. Sau khi nâng cấp, tôn tạo Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Cầu Nhe, cùng với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và các di tích trên địa bàn huyện Can Lộc đã tạo thành quần thể những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Góp phần khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân cả nước./.

Nguyễn Duyên