Chứng chỉ rừng FSC giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng lâm sản

FSC giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên rừng, nâng cao giá trị kinh tế giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng. Theo thống kê từ FSC, các sản phẩm được công nhân có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 – 30% so với những sản phẩm cùng loại. Giúp giảm thiểu đi những lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên rừng không đúng cách.
chung-chi-rung-ben-vung-01-1712739419.jpg
FSC đã chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu trong việc ngăn chặn rừng bị khai thác trái phép và bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Chứng chỉ FSC phát triển và quản lý rừng bền vững

FSC (viết tắt Forest Stewardship Council) – là Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển & quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới thường được gọi là Hội đồng Quản lý rừng.

Có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp… Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu.

Chứng chỉ FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).

Hiện Hội đồng Quản lý rừng (FSC) là tổ chức duy nhất được công nhận trên phạm vi toàn cầu về phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận về rừng, được thành lập để duy trì và đảm bảo một hệ thống quản lý rừng bền vững có trách nhiệm. Mục đích là để giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản không kiểm soát, dẫn đến việc giảm diện tích rừng vốn là là phổi xanh của Trái đất.

chung-chi-rung-ben-vung-02-1712739405.jpg
Hiện các chứng chỉ rừng FSC đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 850 thành viên.(Ảnh minh họa)

Sau hơn 30 năm hoạt động, FSC đã chứng minh được tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu trong việc ngăn chặn rừng bị khai thác trái phép và bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện các chứng chỉ rừng FSC đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng và các doanh nghiệp.

Theo giới chuyên gia, hiện có ba loại chứng chỉ rừng FSC gồm: Thứ nhất là FMC (Forest Management Certificate) là chứng nhận quyền bảo vệ rừng, cung cấp cho các khu rừng của một quốc gia khi đã đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế. Chứng chỉ này dành riêng cho các nhà khai thác và kiểm lâm, để chứng thực đơn vị quản lý rừng đã tuân thủ 10 nguyên tắc của FSC, phù hợp với các tiêu chí về môi trường, kiểm lâm và xã hội.

Thứ hai là chứng nhận rừng FSC CoC (Chain of Custody Certificate) là loại giấy chứng nhận cho chuỗi hành trình sản phẩm đi từ nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng được chế biến, vận chuyển, sản xuất và phân phối đến người tiêu dùng. Chứng chỉ này giúp xác nhận những sản phẩm làm từ gỗ rừng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của tổ chức FSC.

Thứ ba là chứng nhận FSC-CoC/CW (Chain of Custody/Control Wood Certificate) là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, đánh giá nguồn gốc gỗ có kiểm soát dành cho các đơn vị quản lý rừng hoặc sản xuất, chế biến, kinh doanh nguồn gỗ theo tiêu chuẩn kiểm soát của FSC.

Theo đó, các sản phẩm được chứng nhận đều được quản lý thống nhất qua hệ thống dữ liệu có tính chuỗi của FSC, và được nhận diện bằng lô-gô, nhãn hiệu cụ thể.

Nhận định của các chuyên gia, đến thời điểm này chưa có sự thay đổi nào từ FSC cũng như các chứng chỉ mới phát sinh, tuy nhiên việc thay đổi các phiên bản quy định được diễn ra trung bình 3 năm 1 lần, và mỗi lần như vậy sẽ cần phải có sự chuyển đổi.

Định hướng tầm nhìn của Hội đồng FSC được họp và thống nhất 5 năm 1 lần, trong tầm nhìn mới nhất 2021-2026 (được công bố trên website của FSC) thì chưa thấy các nội dung mới về chứng chỉ.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 3 năm 2023 đã có 1.311 chứng nhận FSC CoC được cấp cho các doanh nghiệp và 60 chứng nhận FSC FMC cho các khu rừng trên tổng diện tích 251,477 ngàn ha rừng có chứng nhận.

Những lợi ích của việc trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Chung (Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Chất lượng Việt - đơn vị tư vấn kỹ thuật nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc lâm sản đáp ứng các quy định của FSC) cho biết, những lợi ích của sản phẩm rừng đạt chứng nhận FSC bao gồm: Về mặt kinh tế, chứng nhận của FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng.

Theo đó, các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao, giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng. Theo thống kê của tổ chức này, các sản phẩm lâm sản có chứng chỉ FSC thường có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 – 30% so với các sản phẩm cùng loại.

Về mặt thương hiệu: Cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hay tổ chức trồng rừng sẽ được nâng tầm nếu nhận được chứng nhận của FSC. Ngoài ra, đơn vị sản xuất- kinh doanh cũng có thể sử dụng chứng nhận FSC để truyền thông lan tỏa cho các sản phẩm của mình.

Về mặt môi trường: Chứng nhận FSC không những góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên sinh thái tự nhiên (giúp bầu không khí và nước sạch hơn, đồng thời góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu), mà còn chứng minh được sản phẩm sản xuất từ nguồn gỗ hợp pháp và được quản lý tốt.

Về mặt xã hội: Chứng chỉ FSC minh bạch trách nhiệm của các tổ chức trồng rừng lấy gỗ đối với xã hội và cuộc sống, giúp cải thiện sinh kế cho người dân trồng rừng và người lao động trong ngành. Ngoài ra nó còn đáp ứng một số yêu của của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gồm: không sử dụng lao động trẻ em, không cưỡng bức lao động, không phân biệt đối xử và tự do lập hiệp hội.

chung-chi-rung-ben-vung-03-1712739267.jpg
Trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ đem lại lợi ích cho người trồng và nâng cao chất lượng lâm sản. (Ảnh minh họa)

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế to lớn về phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên trước mắt, chúng ta cần sớm có chính sách phát triển nhằm đáp ứng chiến lược của FSC giai đoạn 2021-2026 là phát triển nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo tính bền vững, ưu tiên có nguồn có thể tái chế, ít phát thải carbon và hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Song song đó cần truyền thông mạnh mẽ việc vừa khai thác vừa tái tạo rừng, tuyên truyền sử dụng nguyên liệu từ rừng có nguồn gốc, chống các vi phạm liên quan đến rừng như khai thác gỗ trái phép hoặc buôn bán lâm sản trái phép; vi phạm các quyền truyền thống và nhân quyền trong hoạt động làm nghiệp; vi phạm tiêu hủy các giá trị bảo tồn cao trong hoạt động lâm nghiệp; giới thiệu sinh vật biến đổi gen trong hoạt đông lâm nghiệp./.

Bình Trọng