Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông, lâm nghiệp

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Bắc Kạn chú trọng triển khai các chương trình kinh tế về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng tạo sinh kế và cơ hội việc làm trong nông, lâm nghiệp bảo đảm người dân có thể ổn định cuộc sống từ sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là sống được từ rừng và các sản phẩm từ rừng.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, có độ dốc lớn, chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối nên tỉnh Bắc Kạn là khu vực khá nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Vào mùa mưa, tần suất xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ngày càng tăng; mùa khô tình trạng nhiệt độ giảm bất thường, hạn hán ngày càng có xu hướng tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp.

Do tác động của biến đổi khí hậu làm biến đổi lượng dòng chảy giữa các mùa, tăng về mùa mưa và giảm về mùa khô, dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hạn hán kèm theo suy thoái đất, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Những thay đổi về lượng mưa dẫn tới những thay đổi về dòng chảy của các sông, tần suất và cường độ các trận lũ cũng lớn hơn. Lượng mưa lớn gây trượt, sạt lở đất, làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi, sạt lở, ngập úng...

Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Rét đậm, rét hại, sương muối, khô hạn làm cây trồng không sinh trưởng phát triển được, vật nuôi bị chết do nhiệt độ xuống thấp, mùa hè mưa nhiều nguy cơ lũ lụt, ngập úng đối với các cây trồng cạn, sạt lở đất, vùi lấp hoa màu, phát sinh dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, chính vì vậy việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng chuyên canh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn giống chịu hạn, chịu úng, chịu rét, chống chịu sâu bệnh là một trong những giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu.

rung-1674983017.jpg
Bắc Kạn chú trọng áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển mô hình canh tác bền vững.

Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Bắc Kạn chú trọng áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, mở rộng những mô hình sử dụng giống cây trồng cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh đối với từng địa phương trong tỉnh, đảm bảo thích ứng với những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Phát triển mô hình canh tác bền vững trên đất dốc, để giữ nước, giảm xói mòn, thoái hóa đất, trên cơ sở đánh giá hiệu quả của giai đoạn trước, những mô hình đã thành công trong thời gian trước đây.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình trồng trọt dựa trên kiến thức bản địa và kinh nghiệm sản xuất của người dân thích ứng với BĐKH đã thực hiện tại các huyện, trên cơ sở đó quyết định quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất và chủ trương đầu tư để tăng khả năng tự thích ứng của người dân và cộng đồng. Nghiên cứu để đưa ra chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác, nhằm thích ứng với điều kiện khô hạn, thiếu nước ở một số vùng do tác động bởi biến đổi khí hậu. Xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với ngành chăn nuôi, địa phương này phát triển chăn nuôi trang trại, hình thức thâm canh, bán thâm canh có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hình thành vùng sản xuất tập trung trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về môi trường, sử dụng một số giống vật nuôi có khả năng chống chịu với sự biến đổi của thời tiết. Chủ động chuẩn bị tốt nguồn thức ăn xanh và thức ăn thô dự trữ cho gia súc vào mùa đông, tăng cường năng lực chế biến, bảo quản (ủ chua), dự trữ để chủ động nguồn thức ăn, kiên cố hóa chuồng trại để có khả năng chống chịu các đợt rét đậm, rét hại.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, VietGAP, chăn nuôi hữu cơ để hạn chế phát sinh dịch bệnh; tăng cường công tác theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuyên truyền người chăn nuôi chủ động khai báo dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi nhằm tạo miễn dịch thụ động; triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhất là vào mùa đông và lúc giao mùa khi có sự thay đổi mạnh về thời tiết.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị duy trì độ che phủ rừng, tiếp tục đẩy mạnh trồng bổ sung rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng xen các loài cây bản địa, trồng cây gỗ lớn đa mục đích trên diện tích rừng tự nhiên phù hợp với điều kiện lập địa. Quản lý bền vững rừng tự nhiên bằng việc tăng cường vai trò tham gia của cộng đồng để nâng cao chất lượng, tăng dự trữ lượng carbon rừng; nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng việc cấp chứng chỉ rừng và kinh doanh tín chỉ carbon. Khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý về đa dạng sinh học trong lĩnh vực lâm nghiệp; tăng cường khả năng phục hồi, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái nông, lâm nghiệp trước tác động của BĐKH.

r2-1674983079.jpg
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị duy trì độ che phủ rừng, tiếp tục đẩy mạnh trồng bổ sung rừng phòng hộ, rừng sản xuất...

Ngoài ra, đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản: Thực hiện phát triển ao, hồ nuôi trồng thủy sản phải căn cứ quy hoạch phát triển sản xuất và quy hoạch sử dụng đất, không phát triển tràn lan, ảnh hưởng đến diện tích các cây trồng chủ đạo. Đối với những diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm không có hiệu quả có thể tận dụng xây dựng ao hồ, mặt nước để phát triển thủy sản nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập của người dân và tăng khả năng thích ứng với BĐKH. Triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật, thực hiện thâm canh và các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh (VietGAP, Global GAP, ...). Chủ động các biện pháp chống nóng, rét và mưa lũ trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch thích ứng BĐKH, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu khảo nghiệm, tổng kết và áp dụng đại trà các loại giống cây trồng, vật nuôi chịu rét, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tùy đặc điểm tình hình của mỗi địa phương trong tỉnh. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, sử dụng công nghệ hữu cơ, sinh học trong canh tác và phòng trừ dịch bệnh. Thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật có tổng kết và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương trước diễn biến của BĐKH.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về dịch vụ nông nghiệp đối với giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành các sản phẩm dịch vụ nông nghiệp, tránh nguy cơ nhập những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giống cây trồng và sinh vật ngoại lai tác động đến hệ sinh thái và thúc đẩy quá trình BĐKH tại địa phương.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 triển khai các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐKH, thích ứng với BĐKH, nhất là đối với khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ trong phát triển nông, lâm nghiệp. Hoàn thiện, ban hành các quyết định, thể chế hóa các quy định liên quan đến biến đổi khí hậu và thích ứng linh hoạt trong phát triển nông, lâm nghiệp, đảm bảo các biện pháp thích ứng với BĐKH được lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung đối với cây trồng, vật nuôi; quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến của BĐKH tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương....

Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo các ngành, các địa phương đủ năng lực chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng trước diễn biến của BĐKH. Tiếp tục nâng cao khả năng tự thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông, lâm nghiệp, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái, nhất là đối với lĩnh vực phát triển rừng. Tổng kết và nhân rộng kinh doanh tín chỉ carbon, đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa được nâng cao mức thu nhập từ quản lý, bảo vệ rừng.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn phát huy kết quả đạt được từ các chương trình kinh tế trong phát triển nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành, địa phương; đảm bảo người dân và cộng đồng đủ năng lực thích ứng với BĐKH một cách chủ động, linh hoạt. Ổn định các vùng chuyên canh và chăn nuôi tập trung có khả năng chống chịu cao trước diễn biến của biến đổi khí hậu. Việc kinh doanh tín chỉ carbon được thực hiện rộng rãi trong toàn tỉnh, quản lý và bảo vệ rừng là thu nhập chính cho người dân và cộng đồng đã được giao đất, giao rừng.