Hà Giang: Duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc trưng

Sau hơn 4 năm triển khai (từ năm 2018 đến nay) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 132 sản phẩm, trong đó có 105 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao, 2 sản phẩm OCOP cấp Quốc gia đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Giang đã trở thành đặc sản đối với khách du lịch và người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Mật ong Bạc hà trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, cam sành, chè Shan tuyết vùng cao, Thịt bò khô huyện Đồng Văn, gạo tẻ Già Dui, Mận Hậu huyện Xín Mần, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, gà xương đen và rượu ngô men lá Thanh Vân huyện Quản Bạ, dê núi đá vùng cao, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, rượu đặc sản được làm từ hạt của cây Hoa Tam giác mạch...

hg1-1674702284.jpg
Cam sành là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng Hà Giang

Trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã được du khách trong và ngoài nước đón nhận và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Nhờ đó, các mùa lễ hội đã tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh quảng bá và tiêu thụ được phần lớn các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của tỉnh Hà Giang.

Bên cạnh đó, Chính điều đó đã giúp cho các địa phương mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng của các sản phẩm OCOP. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp người dân Hà Giang nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình xây dựng thành công nông thôn mới. Do đặc thù là một tỉnh miền núi có địa hình chia cắt mạnh đã tạo cho Hà Giang nhiều tiểu vùng thời tiết khí hậu, đặc điểm về nông hóa thổ nhưỡng khác nhau. Điều đó đã tạo cho Hà Giang hình thành nên các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của các địa phương.

hg2-1674702326.jpg
Hồng không hạt Quản Bạ - một trong những sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt trên 8.715 ha, trong đó có trên 75% diện tích cam sành đã được cấp Chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổng sản lượng cam sành niên vụ 2020 – 2021 ước đạt trên 70.000 tấn. Cam sành Hà Giang không những được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Chỉ dẫn địa lý, được công nhận là sản phẩm OCOP, mà còn được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam chứng nhận Danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Cùng với đó, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên). Hiện tổng diện tích chè của Hà Giang đạt gần 21.000 ha (chủ yếu là chè Shan, chiếm trên 90% diện tích); trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt trên 18.000 ha và sản lượng chè búp tươi đạt gần 72.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích chè đạt tiêu chuẩn GAP đạt gần 10.000 ha (chiếm 50,5% diện tích cho thu hoạch), chè đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP đạt trên 5.000 ha, chè hữu cơ đạt trên 4.600 ha. Các sản phẩm OCOP từ chè của Hà Giang đã khẳng định thương hiệu về chất lượng, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

cay-bac-ha-dai-768x512-1674702429.jpg
Mật ong hoa Bạc hà là sản phẩm đã được đăng ký bản quyền thương hiệu của Hà Giang

Trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật trong công tác chọn lọc, phục tráng, nhân giống và phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học đối với cây Hồng không hạt huyện Quản Bạ….nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng của một trong những sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang.

Bên cạnh đó, Hà Giang đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Bảo tồn nguồn gen của giống ong nội địa phương” nhằm nâng cao năng suất và chất lượng Mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng số đàn ong của Hà Giang đạt trên 35.000 đàn (trong đó, riêng 4 huyện cao nguyên đá có trên 22,5 nghìn đàn, chiếm 64% tổng số đàn ong của tỉnh) và tổng sản lượng mật ước đạt gần 194 tấn/năm.

Việc đẩy mạnh phát triển đàn ong khai thác mật hoa cây bạc hà xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP mật ong bạc hà đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giầu của người dân tại 4 huyện vùng cao nguyên đá của Hà Giang…./.

Huy Nghị