Tham gia thị trường toàn cầu: Chiến lược và thách thức đối với doanh nghiệp ngành Lương thực thực phẩm

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023) diễn ra từ ngày 28 - 30/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC, Quận 7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức Hội thảo “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành Lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu”.

Đây cũng là hội thảo thứ 4 trong chuỗi 6 hội thảo chuyên đề của khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023) nhằm giúp các doanh nghiệp ngành Lương thực thực phẩm trong nước, cập nhật các thông tin mới nhất về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời, giải đáp vướng mắc về các quy định, tiêu chuẩn cũng như các bước thâm nhập vào thị trường xuất khẩu trên thế giới.

Trong những năm qua, ngành Chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngành Chế biến lương thực, thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Hiện nay, thực phẩm đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Riêng với TP. Hồ Chí Minh, ngành Lương thực thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành Lương thực thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành Lương thực thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển”.

2-1687756394.jpg
Hội thảo “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp ngành Lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu” 

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Chân - Trưởng phòng Thực phẩm, Công ty TUV SUD Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thực phẩm Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các rào cản trong việc xuất khẩu như các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; Tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng; Mức dư lượng cho phép thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; Yêu cầu ghi nhãn và đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Do đó, đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi xuất khẩu do phải tuân thủ quy định của các thị trường; Làm hạn chế thị trường xuất khẩu; Tác động rất lớn tới doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xuất khẩu. Ngoài ra, phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác có nhiều lợi thế như Thái Lan về xuất khẩu gạo; Ấn Độ, Ecuador về thủy sản, chưa kể tới việc thay đổi sở thích của người tiêu dùng, cũng như điều kiện thị trường toàn cầu luôn biến động”.

1-1687756358.jpg
Bà Nguyễn Thị Chân - Trưởng phòng Thực phẩm, Công ty TUV SUD Việt Nam chia sẻ những rào cản đối kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu.

Để ngành Chế biến lương thực thực phẩm Thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành Chế biến lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Qua hội thảo này, ITPC mong muốn sẽ hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cập nhật thông tin mới nhất về thị trường tiềm năng, xu hướng tiêu dùng, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng trong sản xuất lương thực thực phẩm; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Đạm Quang Lê