Bón rau bằng phân bón hữu cơ được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản

Sản xuất nông nghiệp theo quy trình hữu cơ, chất lượng nông sản được nâng lên, giá thành sản phẩm cao. Không những thế, tiết kiệm được chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người dân.

Xã Yên Cường (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là địa phương có truyền thống canh tác rau, màu từ lâu đời, nên trình độ, khả năng canh tác của người dân khá cao.

Nhiều năm về trước, người dân nơi đây chủ yếu chăm sóc những vườn rau, vườn lạc bằng phân bón vô cơ, do đó đất trồng bị bạc màu, chai cứng; nguồn dinh dưỡng trong đất dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, giảm chất lượng nông sản.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, người dân trên địa bàn tổ chức sản xuất phân hữu cơ từ các loại chất thải chăn nuôi, phân gia súc, gia cầm, rác thải hữu cơ đang xả thải ra môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ.

1-1652155350.jpg
Đưa phân bón hữu cơ ra đồng để bón cho rau màu

Năm 2016, HTX Nông nghiệp Bắc Cường là 1 trong những HTX đã tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia người Nhật Bản. Theo đó, các chuyên gia người Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ cho các HTX, xã viên trên địa bàn.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bắc Cường (xã Yên Cường) cho biết, HTX đã thành lập các đội thu gom (rơm, rạ), phân loại, tạo nguồn để sản xuất phân bón hữu cơ; hướng dẫn bà con nông dân phân loại rác thải hữu cơ ngay tại nhà.

Để quy hoạch gọn vùng và giảm nhân công, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu ủ phân, mua máy để trộn đảo phân, nhằm đáp ứng các tiêu chí của chuyên gia người Nhật Bản.

Nguyên liệu sản xuất 1 tấn phân hữu cơ cần 700kg phân gia súc, gia cầm và 300kg các chất hữu cơ phụ gia. Sau khi trộn đều phân với chất phụ gia, hỗn hợp phân hữu cơ được ủ lên men tự nhiên và tưới nước, trộn đảo thường xuyên.

2-1652155367.jpg
Vườn rau xanh mướt, sạch bệnh nhờ cho "ăn" phân bón hữu cơ được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản

Sau thời gian từ 3 - 4 tháng sẽ cho ra 1 mẻ phân hữu cơ không có mùi hôi, dễ phân hủy, hạn chế được nấm mốc, hiệu quả sử dụng cao trong quá trình chăm sóc cây trồng; thân thiện với môi trường, con người và giúp cải tạo, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.

Theo ông Đức, trung bình mỗi năm HTX Nông nghiệp Bắc Cường sản xuất được trên 100 tấn phân bón hữu cơ. Nhờ có nguồn phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, nên chất lượng nông sản sản xuất tại đây được nâng lên rất nhiều, giá trị kinh tế cao hơn.

Bởi vậy phong trào trồng rau, củ, quả an toàn, sạch tại xã Yên Cường phát triển khá nhanh, từ 3ha năm 2017 tăng lên hơn 20ha vào vụ xuân năm 2021. Các cây trồng chủ yếu là cải bó xôi, hành hoa Nhật Bản, bắp cải, rau muống, dưa chuột, su hào...

“Các loại rau, củ, quả được sản xuất theo vùng quy hoạch tập trung, chuyên canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sạch, sản xuất hữu cơ tuần hoàn và có liên kết bao tiêu sản phẩm. Thu nhập bình quân đạt 90 - 100 triệu đồng/ha (đối với cây trồng 1 lứa, trong 90 ngày); đối với cây trồng 2 lứa (50 ngày/lứa) thì cho thu nhập khoảng từ 150 - 170 triệu đồng/ha”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cho biết thêm, ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu ích của người dân địa phương cũng được nâng lên.

Lượng rác thải phải chôn lấp, xử lý tại các thôn, xóm giảm 60 - 70%, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí; ngoài ra giảm tải hoạt động cho lò đốt rác, nâng cao hiệu quả xử lý khu vực đốt rác của xã.

Cũng nhờ tận dụng sản phẩm phụ, rác thải mà chi phí sản xuất đầu vào phục vụ sản xuất thấp, nên khi sản xuất ra các sản phẩm cung ứng cho thị trường với giá bán hợp lý và được thị trường chấp nhận.

Khi tham gia phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, lợi nhuận mà mỗi hộ xã viên, HTX thu được đều tăng từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà.

Bà Ngô Thị Thắm (xã Yên Cường) tâm sự: Trước đây, toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch đều đốt bỏ. Tuy nhiên, từ khi gia đình bà được tiếp cận với phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ, những loại phế phẩm này đều được tận dụng hết để làm nguyên liệu sản xuất phân bón.

Qua nhiều vụ sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, bà Thắm nhận thấy rằng, cây rau, màu sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, đất tơi xốp hơn. Chất lượng nông sản cao hơn hẳn so với canh tác truyền thống.

“Trước thực trạng giá phân bón vô cơ ngày một tăng cao, việc sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ là một phải pháp hợp lý, tiết kiệm được chi phí đầu vào…”, bà Thắm chia sẻ.