Bộ Công an giải đáp thắc mắc nhà mấy tầng phải thẩm duyệt Phòng cháy chữa cháy?

Hiện nay, không chỉ có người dân mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị thắc mắc nhà mấy tầng thì buộc phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Bộ Công an mới đây đã đưa ra giải đáp thắc mắc cho độc giả nhà mấy tầng phải thẩm duyệt PCCC trong bài viết dưới đây. 

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an cho biết, danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC được quy định cụ thể tại Phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

nha-may-tang-phai-tham-dinh-pccc-1681180394.jpg
Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên” thì thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC

Theo đó, quy định: “Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên” thì thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC. Do đó, không quy định “nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng” phải thuộc diện thẩm duyệt về PCCC.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, khoảng cách PCCC do Bộ Công an đặt ra khó thực hiện, đặc biệt tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trước vấn đề này, Cục Cảnh sát PCCC và CNCHN cho biết, ngày 28/7/2010 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, và có hiệu lực thi hành từ ngày 17/9/2010.

Tại quy chuẩn này có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ. Do đó, tại Phụ lục E của quy chuẩn này quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Các quy định này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại các lần sửa đổi năm 2020, 2021, 2022.

Theo đó, Quy chuẩn đã đưa ra các giải pháp để khi các công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có các giải pháp ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động... Nếu thiết kế công trình không bảo khoảng cách an toàn PCCC và cũng không bảo đảm ngăn cháy giữa các công trình thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan đến các công trình lân cận và gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong quá trình triển khai, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an sẽ chủ động theo dõi, nắm bắt những ý kiến phản ánh bất cập của doanh nghiệp cũng như người dân để thông tin cho Bộ Xây dựng trong quá trình soát xét các quy định về PCCC. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các giải pháp để đưa ra các quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp yên tâm ổn định đời sống, kinh doanh./.

Anh Thư (t/h)