Bác sỹ gia đình, điều rút ra từ mùa dịch

Cuộc gọi đầu tiên tôi nhận được, người chồng báo vợ anh đang nằm trong bệnh viện, "bác sĩ nói gần như không còn khả năng cứu chữa". Ba bố con anh cũng đang là F0. "Liệu có cách nào để vợ tôi qua cơn nguy kịch? Tôi và các con phải làm gì?", anh hỏi đi hỏi lại.
benh-nhan-covid-19-nang-1630801865232967755856-1639047781686-16390477823311407410733-1640249131.jpeg
Ảnh minh họa

Hơn 30 phút, tôi vừa trả lời vừa thực hành tâm lý liệu pháp, lắng nghe và chia sẻ với anh. Sau đó, hỏi bệnh cả gia đình, triệu chứng của từng người, hướng dẫn thuốc và ăn uống, dặn dò thêm về vệ sinh mũi họng, tập hít thở... Cuối cùng, tôi vẫn phải nói thật là vợ anh chắc khó qua khỏi, động viện anh cố gắng lo cho mình và các con. Buông máy xuống, tôi không khỏi bần thần. Virus này quá khắc nghiệt. Nó không cho phép người thân gặp nhau vào giây phút cuối cùng, nó tấn công hầu hết người cùng nhà và để lại di chứng tinh thần lâu dài. Tôi cứ nghĩ tư vấn cho F0 qua điện thoại chỉ là hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc tại nhà, "vào trận" rồi mới biết không dừng lại ở đó.

"Tổng đài 1022 nhấn phím 3, bác sĩ xin nghe!". Hơn mấy tháng nay, hơn 100 bác sĩ chúng tôi không biết đã nói bao nhiêu lần câu ấy. Từ đủ mọi chuyên khoa, chúng tôi cùng tham gia chương trình tư vấn cho người dân phòng chống Covid-19 qua tổng đài 1022.3 của Hội Y học TP HCM. Những tình huống tương tự cứ thế diễn ra, ngày qua ngày, các cuộc gọi bất kể ngày hay đêm. Những tiếng khóc than, tiếng thở ngắt quãng: "Bác sĩ ơi, em không còn thở nổi nữa rồi, làm sao đây?", "Bác sĩ ơi, nhà em đến 12 người đều dương tính hết rồi, mà em gọi ai cũng không được". Nhiều câu "Bác sĩ ơi,..." khiến chúng tôi thắt lòng.

Chúng tôi, nhiều bác sĩ đã vài chục năm trong nghề vẫn bối rối với những tình huống cần xử trí khẩn cấp mà mình chỉ giao tiếp được qua điện thoại. Đường dây mỏng manh đó, tưởng gần mà rất xa. Chỉ một giây bệnh nhân buông tay khỏi chiếc điện thoại là đứt gãy. Nhiều bác sĩ đã phải cho bệnh nhân số điện thoại riêng của mình để có thể kết nối với nhau liền mạch hơn, theo dõi bệnh tốt hơn.

Bệnh trạng Covid-19 có thể diễn tiến rất nhanh trong một ngày, trở nặng đột ngột trong vài tiếng nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tuần. Và thế là bác sĩ và bệnh nhân gần như cùng gắn kết hàng ngày qua điện thoại. "Bác sĩ ơi, chỉ số SpO2, mạch, nhiệt, huyết áp buổi sáng của cả nhà em đây" kèm theo loạt hình ảnh. Rồi "chiều nè bác sĩ...", rồi "tối nè...". Màn hình điện thoại bác sĩ sáng liên tục cả ngày, đầy ắp hình ảnh, video của bệnh nhân, các tin nhắn hướng dẫn uống thuốc, tập thở, ăn uống. Thời gian ngủ của nhiều bác sĩ gần như rút ngắn tối đa để có thể tư vấn được nhiều hơn, chu đáo hơn cho bệnh nhân. Có bác sĩ kể với tôi, có hôm chị ngủ ba tiếng vì tư vấn cho hơn 50 F0 trong hơn 18 giờ.

Thầm lặng hơn là những bác sĩ ở phường. Các bạn lặng lẽ hỗ trợ trạm y tế phường, giúp theo dõi bệnh nhân F0 trong địa bàn. Kê toa thuốc cho F0, nhưng bệnh nhân không đi mua được, kêu theo dõi SpO2 nhưng bệnh nhân không có thiết bị, bác sĩ tự bỏ tiền túi ra mua máy đo, mua thuốc, tự phân chia những gói thuốc A, thuốc B theo phác đồ của Sở Y tế để đến nhà phát cho người bệnh. Bác sĩ tư vấn từ xa trở thành dược tá chia thuốc, kiêm luôn người giao hàng tới nhà F0.

Một điều thật kỳ diệu mà chúng tôi ai cũng nhận ra, chỉ trừ những trường hợp gọi đến tổng đài quá trễ, gần như F0 được theo dõi kỹ càng từ đầu đều qua khỏi và ít chuyển nặng. Không ít bác sĩ đang theo dõi cùng một lúc hơn 20 F0, và may thay, hầu như tất cả đều không trở nặng. Tuy chưa có nghiên cứu nào thống kê so sánh nhóm bệnh nhân được tư vấn đầy đủ từ xa có ít trở nặng hơn nhóm được điều trị trực tiếp trong bệnh viện dã chiến không, nhưng chúng tôi ai cũng nhận ra kết quả của việc mình làm. Đó là nguồn động lực to lớn để chúng tôi càng cố gắng.

Cuộc chiến này còn dài, cần thêm rất nhiều tư vấn viên từ xa cho từng người bệnh. Thực tế ở nước ta, lâu nay bác sĩ gia đình không được coi trọng. Sinh viên ra trường cũng chỉ thích làm bác sĩ chuyên khoa. Nhưng bác sĩ gia đình mới là mạng lưới gần nhất, cứu giúp kịp thời nhất cho người bệnh. Vì thế, ở một số quốc gia, ví dụ như Nhật Bản, bác sĩ gia đình được xem là mạng lưới không thể thiếu. Quyết định 1568 ngày 27/4/2016 của Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Nhưng nó mới chỉ dừng ở quyết định, chưa có một kế hoạch triển khai cụ thể.

Qua những ngày đi cùng hàng trăm F0, tôi càng nhận thấy bác sĩ gia đình vô cùng quan trọng với cộng đồng. Nhiều chuyên gia nhận định, đối với Covid, hiệu lực của thuốc chỉ là 30%, 70% còn lại là chăm sóc bệnh nền, dinh dưỡng, thể dục và đặc biệt là sức khỏe tâm lý. Không phải chỉ Covid-19, hầu hết các bệnh khác cũng cần sự điều trị toàn diện. Bác sĩ gia đình vì thế cần kỹ năng, kiến thức tổng quát và tấm lòng xem người bệnh như ruột thịt.

Nếu như mỗi bệnh nhân hay mỗi gia đình được một bác sĩ theo dõi tận tình hàng ngày, sát sao từng sinh hiệu người bệnh, tôi tin chắc chúng ta sẽ giảm được tỷ lệ bệnh chuyển nặng, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do Covid. Mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, theo dõi từ xa và đội ngũ bác sĩ gia đình rất cần được ưu tiên đầu tư trên toàn quốc.

Ở khía cạnh tích cực, cơn dịch này mở ra cơ hội để Việt Nam sửa chữa những lỗ hổng trong hệ thống Y tế công cộng. Bộ Y tế nếu gấp rút xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình sẽ là bệ đỡ cho hệ thống y tế công. Mô hình này còn có thể tận dụng hệ thống y tế tư nhân, vốn đang bị động về nguồn lực và thiếu cơ chế hoạt động trong điều trị liên quan đến Covid.

Khi số F0 cả nước tiếp tục tăng, việc chúng ta có thể chuẩn bị ngay là thiết kế thêm nhiều tổng đài như TP HCM đã làm ở các địa phương. Bên cạnh đó, kêu gọi mọi bác sĩ, kể cả bác sĩ về hưu có thể gia nhập hệ thống tư vấn từ xa và có chính sách cụ thể phát triển ngay bác sĩ gia đình. Người dân đang cần lắm những tấm lòng của lương y, các nhà quản lý và nhà làm chiến lược cho mạng lưới y tế từ xa tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ và cực kỳ quan trọng lúc này./.

PGS.TS Lê Thị Anh Thư (chuyên gia Kiểm soát nhiễm khuẩn)