An toàn trong lĩnh vực PCCC - Bài 2: Khó cũng…. phải làm

Không chỉ riêng vấn đề an toàn cháy nổ đặt ra với các cơ sở kinh doanh karaoke, phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng đang là vấn đề “nóng” trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc đưa tiêu chuẩn quy định về PCCC quá cao khiến họ đang "ốm yếu" sau đại dịch COVID-19 lại càng thêm khó khăn. Về vấn đề này Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an đã có những giải đáp liên quan làm rõ hơn những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp về 3 quy chuẩn mới liên quan công tác PCCC của Bộ Xây dựng.

Quy định mới có gây khó?

Mới đây, các vấn đề liên quan đến PCCC tại các doanh nghiệp đã được đưa ra trong cuộc làm việc ngày 28/3, giữa các Hiệp hội Doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Tại đây, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã cho biết, theo các doanh nghiệp, những văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục có sự thay đổi. Chính điều này đã vô tình làm khó doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua. Đơn cử, chỉ trong vòng 18 tháng nhưng có tới 3 văn bản, trong đó, có 2 Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.

pccc1-1681894792.jpg
Quy định về PCCC có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khẳng định, trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc ban hành các quy chuẩn là góp phần đưa ra các quy định về mức yêu cầu tối thiểu cần tuân thủ để bảo đảm an toàn, sức khỏe con người. Quá trình ban hành các Quy chuẩn có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng hơn, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020. Qua thời gian áp dụng, cho thấy có một số điểm cần được bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, do đó ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD). Tiếp đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2021/BXD). Các quy chuẩn được thay đổi theo từng năm để phù hợp với yêu cầu thực tiễn về an toàn PCCC cho nhà và công trình, các quy định đều có tính kế thừa rõ ràng.

Mới nhất là QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc, như: Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính: Quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chiu lửa EI nhưng tại QCVN 06:2022/BXD cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW (dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính).

Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất, ví dụ: Theo quy định QCVN 06:2021/BXD (cũ), với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3.500m2. Tại QCVN 06:2022/BXD, cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa

Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực, quy định tại Bảng 4, Phụ lục E. Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư. Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời, khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này.

Cùng với đó, giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động.

Đồng thời, bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 01 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở; giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ.

pccc2-1681895107.jpeg
Phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong công tác PCCC.

Không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng, trước tình hình trên, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác PCCC và CNCH và đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này. Đồng thời, phải đặt an ninh con người lên hàng đầu, phải thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về PCCC. Do vậy, ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, trong đó, xác định công tác PCCC và CNCH phải quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân. Mục tiêu đối với công tác PCCC và CNCH: Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, Ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, có yêu cầu “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH…”.

Hơn hết là trong nội hàm Điều 43 của Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Hiến pháp cũng lần đầu tiên ghi nhận “quyền sống” tại Điều 19 rằng “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Quyền sống phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, đó là quyền sống trong một môi trường an toàn, tiến bộ, văn minh để mỗi người dân đều được sống trong bình yên và hạnh phúc.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu đó nhưng thực tế cho thấy chưa đủ và điều dễ thấy hơn là từ chính sách, pháp luật đến thực tế còn có khoảng cách lớn. Do đó vấn đề thực thi pháp luật một cách đầy đủ, nghiêm minh và minh bạch là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Nhìn từ một vụ cháy, chúng ta có thể thấy rất rõ trách nhiệm các bên, từ Nhà nước, đến doanh nghiệp, đến người dân. Trách nhiệm này không thể ai gánh thay ai. Thông thoáng thủ tục hành chính về PCCC không có nghĩa là xem nhẹ các quy định cần thiết. Quy định nào thật sự bất khả thi, không phù hợp thực tế thì điều chỉnh; quy định nào cần thời gian dài thực hiện thì gia giảm, quy định nào chưa sát thực tiễn thì sửa đổi… Về nguyên tắc, không thể du di với bất cứ hành vi nào có thể gây nguy hại đến sinh mạng người khác.

PCCC là công tác bắt buộc và đã được luật hóa. Vấn đề là cần làm thế nào để những thủ tục hành chính về PCCC trở nên thông thoáng, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn./.

Doãn Hưng - Xuân Hợp