Xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD trong năm 2023

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD trong năm 2023, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022.
qua-nhan-1708075400.jpg
Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD trong năm 2023. Ảnh minh họa

Quả nhãn nằm trong top 5 cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha và sản lượng bình quân khoảng 600.000 tấn một năm. Đây là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2023, sau sầu riêng. Trong đó, Trung Quốc, Australia, Thái Lan và Nhật Bản là những nước "chuộng" trái nhãn Việt nhất. Với thị trường Thái Lan, sản lượng nhãn được tập đoàn này xuất khẩu sang Thái năm 2023 tăng khoảng 40% so với 2022.

Năm 2023, xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD, giá nhãn xuất khẩu của Việt Nam ổn định. Hiện, giá nhãn Ido - một giống nhãn từ Thái Lan - được các thương lái mua tại vườn dao động 16.000-18.000 đồng một kg. Với mức giá này, nông dân thu lãi 8-15 triệu đồng một sào (1.000 m2).

Đánh giá về tiềm năng của quả vải và nhãn, theo Bộ Công Thương, đây là những loại cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng. Quả vải và nhãn là hai loại trái cây nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam với hương vị thơm ngon khó nơi nào sánh bằng, là sản phẩm chủ lực của một số địa phương trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành sản xuất chế biến.

Trồng vải, nhãn cũng là sinh kế lâu dài của nhiều bà con nông dân, mang lại nguồn thu quan trọng cho các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La,... tạo nên thương hiệu, góp phần thu hút đầu tư, du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cho sự phát triển chung của vùng.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.

nhan-1708075434.jpg
Quả nhãn nằm trong top 5 cây ăn quả có diện tích lớn nhất cả nước. Ảnh minh họa

Bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn.

Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…

Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, chúng ta còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ các vùng giáp biên giới mà tiếp cận các tỉnh/thành sâu trong nội địa còn nhiều dư địa để khai thác. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần.

Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.

Đồng thời, hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Theo đó, cần tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.

Đông Nghi