Pù Luông, nốt trầm vùng cao của bản du lịch

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển. Với tiêu chí “không đánh đổi môi trường”, phát triển du lịch phải hướng tới bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử.

Bài 4: Pù Luông, nốt trầm vùng cao của bản du lịch

Rời xa tiếng ồn ào của sóng biển và phố thị, cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 130km về phía tây, khu du lịch sinh thái Pù luông hiện lên với vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn quanh bản làng được bao bọc bởi núi cao và rừng rậm, tạo cho du khách cảm giác “ tan chảy” cùng thiên nhiên.

Khu bảo tồn thiên thiên Pù Luông nằm ở địa giới hành chính hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Với độ cao 1.700m, đỉnh Pù Luông hiện lên như một kiệt tác nghệ thuật giữa núi rừng, với những thửa ruộng bậc thang mềm mại, bao quanh những ngôi nhà sàn của người Thái, người Mường.

1-1692105197.jpgVào buổi sáng, Pù luông được bao bọc bởi những làn sương mù dày đặc

Xa xa là những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, với 598 loài động vật, trong đó có 51 loài quý hiếm. Từ đó ban tặng cho nơi đây một vùng khí hậu mát mẻ, đã tạo nên thế mạnh tiềm năng cho huyện Bá Thước khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

2-1692105336.jpgĐứng trên những ngọn núi cao, du khách có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang mềm mại bao quanh những ngôi nhà sàn

Năm 2019, Khu Du lịch sinh thái Pù Luông, Bản Đôn (xã Thành Lâm), Bản Kho Mường, Bản Báng (xã Thành Sơn), Thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng.

Trong những năm gần đây, với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông cùng các sơ sở lưu trú... Phát huy các lễ hội truyền thống của cộng đồng người Thái, người Mường đã tạo nên dấu ấn đặc sắc, từ đó từng bước tô đậm thêm những nét vẽ còn khuyết trong bức tranh du lịch sinh thái nơi đây, thu hút đông đảo du khách thập phương đến đây tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

5-1692105546.jpgHiện Pù Luông đã xây dựng được 75 cơ sở lưu trú, với 104 nhà sàn

Với mục tiêu thu hút lượt khách du lịch đến với Bá Thước ngày càng tăng cao mang lại doanh thu lớn cho địa phương, nên quy mô và chất lượng trong hoạt động du lịch không ngừng được tăng lên. Pù Luông - Bá Thước đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

6-1692106162.jpgĐến Pù Luông, du khách còn được chiêm ngưỡng những hoa văn thổ cẩm của các dân tộc

Đến với Pù Luông, du khách được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, say mình trong những điệu múa xòe, múa quạt, nhảy sạp của người Thái, cùng với tiếng cồng chiêng du dương của người Mường, hòa quyện với nhau tạo nên những bản hòa âm độc đáo giữa núi rừng đại ngàn.

7-1692106560.jpgCọn nước (guồng nước) tại xã Ban Công, luôn thu hút du khách đến check in

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn nổi tiếng như vịt Cổ Lũng (Sản phẩm OCOP), cơm lam, lợn mán, pá pỉnh (Cá nướng)... cùng với vị cay nồng thơm ngon của chum rượu cần men lá.

Hiện nay, Pù Luông đã xuất hiện một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat, Puluong Eco Garden, Puluong Treehouse, Puluong Natura, Puluong Ebino Spa and Resort; bên cạnh đó mô hình homestay hộ gia đình cũng đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

11-1692106792.jpgNgoài ra du khách còn được "thả hồn" trên Suối Chàm ngắm cảnh

Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa huyện Bá Thước, tại Khu du lịch Pù Luông tập chung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng là: 75 cơ sở, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 238 buồng, phòng, 980 giường; công suất đón khoảng trên 1.500 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.

Năm 2022, hoạt động du lịch ở Pù Luông tăng trưởng mạnh trở lại, trong năm đã đón được: 82.646 lượt khách vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (trong đó: khách quốc tế 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt khách) đến thăm quan và nghỉ lại tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện.

Để khai thác hết những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, trong thời gian tới, Pù Luông tập trung đầu tư xây dựng và khai thác du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng với các hoạt như ngắm cảnh ruộng bậc thang, trải nghiệm thu hoạch lúa chín, trồng rau, hái quýt... thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, tham quan làng nghề và các các mặt hàng dệt thổ cẩm... từ đó xây dựng nơi đây thành một “Sa Pa trong lòng xứ Thanh”.

Bài Cuối: Thành Nhà Hồ - điểm nhấn du lịch xứ Thanh

Hà Khải