VCCI kiến nghị hoàn thiện quy định về hóa đơn đối với một số giao dịch không mang tính thương mại

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các quy định hiện hành về việc xuất hóa đơn đối với một số giao dịch không có yếu tố thương mại còn thiếu rõ ràng, dễ dẫn đến những cách hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan quản lý địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

unnamed-1748134187.jpg
Doanh nghiệp cần có hướng dẫn rõ ràng về hóa đơn cho các giao dịch nội bộ, bảo hành, kiểm nghiệm hàng hóa để thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - Ảnh tư liệu

VCCI cho biết, với hàng hóa sử dụng nội bộ nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hiện chưa có quy định cụ thể về việc có phải lập hóa đơn hay không. Việc thiếu khái niệm pháp lý rõ ràng về “hàng hóa tiêu dùng nội bộ” khiến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có nhiều cách hiểu khác nhau.

Tương tự, đối với hàng hóa, sản phẩm được đưa đi kiểm nghiệm chất lượng, kiểm tra theo yêu cầu pháp luật hoặc xuất hàng mẫu trước khi xuất khẩu, quy định hiện hành không nêu rõ có phải lập hóa đơn hay không, dẫn đến cách áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.

Trong trường hợp cho vay, cho mượn hàng hóa, tuy quy định yêu cầu lập hóa đơn, nhưng lại chưa làm rõ có cần thể hiện giá trị trên hóa đơn hay không. Điều này gây vướng mắc trong thực tế, nhất là khi giá hàng hóa có thể thay đổi giữa thời điểm cho mượn và hoàn trả, dẫn đến bất cập trong việc tính thuế giá trị gia tăng.

Với các trường hợp bảo hành sản phẩm theo chính sách của nhà sản xuất, do doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thường không bán trực tiếp đến người tiêu dùng mà thông qua hệ thống phân phối, nên việc điều chỉnh hóa đơn khi phát sinh bảo hành rất khó thực hiện. Tuy nhiên, quy định hiện nay vẫn chưa xác định rõ có cần lập hóa đơn cho hàng hóa, linh kiện bảo hành hay không.

Trên cơ sở những bất cập nêu trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể để thống nhất áp dụng trong thực tế, tránh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:

Không yêu cầu xuất hóa đơn đối với hàng hóa xuất dùng nội bộ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Không phải xuất hóa đơn đối với hàng hóa đưa đi kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng.

Cho phép để trống phần giá trị trên hóa đơn đối với hàng hóa cho vay, cho mượn.

Không cần lập hóa đơn đối với hàng hóa, linh kiện bảo hành trong thời gian bảo hành theo chính sách của nhà sản xuất.

Liên quan đến việc lập hóa đơn đối với khách hàng là cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn, VCCI đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn mà ngành ngân hàng đang gặp phải.

photo-1680771307294-16807713087971652977935-1748134183.webp
Giao dịch ngân hàng với khách hàng cá nhân diễn ra liên tục, chủ yếu là các khoản phí nhỏ. Việc yêu cầu lập hóa đơn riêng lẻ gây quá tải cho hệ thống - Ảnh tư liệu

Theo VCCI, các tổ chức tín dụng hiện đang phục vụ một lượng lớn khách hàng cá nhân với tần suất giao dịch hàng ngày rất cao. Phần lớn các khoản thu là các khoản phí nhỏ như phí quản lý tài khoản, phí tin nhắn, phí rút tiền… Trong thực tế, các cá nhân này hầu như không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Việc Nghị định số 70 bỏ quy định cho phép lập hóa đơn tổng cuối ngày hoặc cuối tháng đối với nhóm khách hàng cá nhân không kinh doanh sẽ tạo ra gánh nặng hành chính rất lớn cho toàn ngành ngân hàng, mà hiệu quả quản lý thuế gần như không đáng kể.

VCCI kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định cho phép các tổ chức tín dụng được lập hóa đơn tổng cho các nhóm khách hàng cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn, nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động và tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý./.

Xuân Hiếu