Đối mặt nhiều thách thức
Bốn tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 43,4 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 57%, còn lại là các doanh nghiệp trong nước – chủ yếu thuộc các ngành dệt may, gỗ và thủy sản.
Thế nhưng, cả ba ngành chủ lực này hiện đang chịu tác động trực tiếp từ các rào cản thương mại như thuế đối ứng, tiêu chuẩn lao động và yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng. Tính đến hết tháng 4-2025, Việt Nam đã trở thành đối tượng của 284 vụ điều tra phòng vệ thương mại, tập trung chủ yếu tại Mỹ và các nước châu Âu.

Trong khi xuất khẩu gặp khó, sức tiêu thụ nội địa hiện vẫn chưa thể trở thành trụ đỡ bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Dù quy mô thị trường bán lẻ năm 2024 ước đạt khoảng 190 tỷ USD, nhưng năng lực sản xuất và phân phối trong nước vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp tục đối mặt nhiều rào cản trong tiếp cận tín dụng, công nghệ và mặt bằng sản xuất.
Trước thực tế đó, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, cùng với các chương trình trọng điểm như đào tạo 10.000 CEO, xây dựng 1.000 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu… được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cần thiết để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân trước vận hội mới
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Diễn đàn CEO 2025 không chỉ là nơi lắng nghe tâm tư doanh nghiệp mà còn đóng vai trò kết nối chính sách với thực tiễn, phản ánh tiếng nói doanh nhân trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Đây cũng là cầu nối nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, mở rộng dư địa thị trường và định vị lại vai trò của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước vận hội chưa từng có khi được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW, với loạt chính sách “cởi trói” và hỗ trợ đột phá.
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhấn mạnh doanh nghiệp không thể tiếp tục theo lối mòn gia công giá rẻ, mà cần xây dựng thương hiệu riêng, đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, nâng cao sức chống chịu và tận dụng hiệu quả các FTA, khung hợp tác quốc tế để thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Với vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Báo SGGP xác định trách nhiệm không chỉ đưa tin mà còn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thông qua các nền tảng đối thoại thực chất. Diễn đàn CEO 2025 là hoạt động trọng điểm trong chuỗi sự kiện “Tự hào bản sắc – Vị thế hội nhập”, góp phần xây dựng hình ảnh doanh nhân bản lĩnh, hội nhập nhưng không hòa tan.

Một điểm đáng chú ý là diễn đàn quy tụ nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang phải chịu tác động trực tiếp từ các hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại như dệt may, gỗ, thép, thực phẩm... Điều này giúp nội dung thảo luận có chiều sâu thực tiễn, phản ánh được nhiều góc nhìn ngành nghề đa dạng, từ đó làm rõ hơn những đòi hỏi cụ thể về thể chế, tài chính và hỗ trợ chuyển đổi số.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn CEO 2025 quy tụ hơn 200 CEO, chuyên gia và đại diện các cơ quan trung ương, địa phương cùng thảo luận 5 nhóm chủ đề trọng tâm: mở rộng thị phần xuất khẩu trong bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; phát triển thị trường nội địa gắn với xây dựng thương hiệu Việt; đổi mới tài chính, tiếp cận vốn xanh; tăng tốc chuyển đổi số và thương mại điện tử; liên kết chuỗi giá trị, hình thành liên minh sản xuất – phân phối – tiếp thị quốc tế. Các CEO đóng vai trò trung tâm trong đối thoại, phản ánh khó khăn và đề xuất sáng kiến từ thực tiễn. Đồng hành cùng họ là các chuyên gia, tổ chức tài chính và đơn vị chuyển đổi số.
Diễn đàn không chỉ là dịp gặp gỡ mà là sự kiện hành động, nơi kết nối hệ sinh thái kinh tế địa phương, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp theo chuỗi – điều đặc biệt cần thiết khi phần lớn doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa. Với định hướng đó, Báo SGGP tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối chiến lược, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong thúc đẩy cải cách và phát triển bền vững./.