Vai trò của doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh nền kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng xanh thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập cho người dân thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường… đang là một xu thế mới mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Theo các chuyên gia, xu hướng này phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam.
3511-3108-copy-1677066715.jpg
Đầu tư cho nông nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp "dũng cảm"

Xanh hóa nền kinh tế

Gần đây, chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện và trình Chính phủ được xem là giải pháp tiếp cận nhằm tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo việc làm và cải thiện cuộc sống cho người dân. Đồng thời, chiến lược cũng giúp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần vào nỗ lực chung của thế giới trong giảm phát thải khí nhà kính.

Năng lượng và công nghệ xanh sẽ sử dụng phổ biến

Theo định nghĩa của tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc, Tăng trưởng xanh là “quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội”.

Còn theo chuyên gia Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xanh ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Theo đó, có 3 mục tiêu chính cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới, thứ nhất, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo. Thứ hai, xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững và áp dụng phổ biến sản xuất sạch. Thứ ba, xanh hóa lối sống và tiêu dùng, tạo dựng đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, theo lộ trình đến năm 2020,GDP bình quân đầu người ít nhất gấp đôi so với mức 2010, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5 - 3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức 2010; hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42-45% trong tổng GDP, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt suy thoái môi trường, từng bước tạo điều kiện để chuyển sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước.

Phấn đấu đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh. Giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 2-3%; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 50%. Tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chế biến sâu; môi trường được phục hồi và cải thiện đạt các tiêu chuẩn cơ bản về sạch và xanh. Đến năm 2050: Năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến…

usfarm-1677066880.jpg
Khoa học và công nghệ là vấn đề then chốt của nền kinh tế xanh

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng

Phân tích về vai trò của Doanh nghiệp, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng, khi bắt đầu xây dựng mô trình tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp cần xác định rõ những thách thức khi các nhân tố trong mô hình cạnh tranh - phát triển thay đổi, đồng thời vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội như giảm phát thải, bảo vệ môi trường, loại bỏ ngành nghề kinh doanh không phù hợp và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Song, đồng hành cùng thách thức chính là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất. “Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bởi giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm mà giờ đây, doanh nghiệp phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. Doanh nghiệp phải tính đến các yếu tố khác khi hoạch địch chiến lược cạnh tranh của mình như y tế, xã hội, môi trường, tạo công ăn việc làm, tiết kiệm năng lượng, duy trì đa dạng sinh học... Bởi vậy, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng xanh của Việt Nam” Ông Vinh nói.

Trên thực tế, để có thể thực hiện được nền kinh tế xanh, Doanh nghiệp có một vai trò quan trọng bởi hơn ai hết, chính Doanh nghiệp và người lao động sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, thực hiện đúng theo lộ trình không phải là điều dễ dàng.

Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện xanh hóa trong quá trình sản xuất ở các Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Do vậy, với các Doanh nghiệp xanh hóa sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Ngoài ra, cần thúc đẩy hình thành, phát triển đội ngũ doanh nhân “xanh”, các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn…

Hướng tới phát triển bền vững

Có thể thấy, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% bình quân mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập ở mức độ cao với kinh tế thế giới… Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nặng. Các ngành kinh tế thân thiện với môi trường chưa được phát triển. Phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước do công nghệ chậm được đổi mới với mức độ tiêu tốn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên cao…

Vì vậy, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng phát triển, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả toàn diện cao là nhiệm vụ hàng đầu của thời kỳ phát triển sắp tới.

Để có thể thực hiện được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tới việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong quá trình thực hiện chiến lược; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi cấp, mọi ngành và tầng lớp nhân dân về chiến lược tăng trưởng xanh; Nghiên cứu, ban hành và sử dụng các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật và xây dựng hệ thống thông tin tư liệu về tăng trưởng xanh; Huy động nguồn lực và cơ chế tài chính để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Tăng trưởng xanh là một nội dung của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu./.

Quốc Anh